Nhỏ Bình thường Lớn

Đồng thuận và phương cách ASEAN

Baoquocte.vn. Đồng thuận là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của ASEAN và cũng là nguyên tắc chủ đạo giúp hình thành nên phương cách ASEAN - huyết mạch giữ cho Hiệp hội trở thành một khối gắn kết các quốc gia Đông Nam Á.
Đồng thuận và phương cách ASEAN
Đồng thuận và phương cách ASEAN

Nền tảng then chốt

Nguyên tắc đồng thuận đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập kỷ qua.

Xét về lịch sử, các quốc gia Đông Nam Á hầu hết đều là thuộc địa của các cường quốc, bị các đế quốc, thực dân chia cắt để trị vì, do đó, các quốc gia Đông Nam Á tuy gần nhau về khoảng cách địa lý nhưng lại thiếu hiểu biết lẫn nhau.

Bên cạnh đó, ASEAN được thành lập dựa trên tiền đề ban đầu là ý thức chính trị, chủ yếu các quốc gia thành viên muốn tìm kiếm sức mạnh tập thể, dựa vào nhau, nhằm giữ vững nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực trước tình hình thế giới có nhiều biến động.

Chính vì vậy, việc các quyết định được thông qua bằng hình thức đồng thuận của các quốc gia thành viên sau khi đã trải qua quá trình tham vấn sẽ xây dựng lòng tin vững chắc cũng như sự tự nguyện và đồng tình tuyệt đối của tất cả các quốc gia ASEAN.

Thêm đó, ASEAN là khu vực có sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, hệ thống chính trị cũng khác nhau giữa các thành viên, nên việc sử dụng nguyên tắc đồng thuận sẽ làm cho các nước, dù lớn hay nhỏ, không cảm thấy bị gò ép hay lo ngại, đều có thể lên tiếng, đồng tình hay phản đối các hoạt động của ASEAN, dù chưa hoặc không phù hợp với trình độ phát triển hoặc tình hình nội tại của nước mình.

Mỗi quốc gia đều có một lá phiếu quyết định vận mệnh của ASEAN như nhau trong mọi vấn đề. Đồng thuận cũng giúp các nước ASEAN tìm ra tiếng nói chung, thúc đẩy sự đoàn kết và liên kết trong khu vực ngày càng bền chặt.

Chính sự đồng thuận, có được tiếng nói chung, đã góp phần tô vẽ cho hình ảnh của cả Hiệp hội là một khối vững chắc, giúp cho ASEAN trở thành động lực cho nhiều hợp tác khu vực và liên khu vực. Phương cách ASEAN và nguyên tắc đồng thuận cũng là nền tảng giúp ASEAN lôi kéo được các nước lớn, các nước ngoài khu vực, tham gia vào các diễn đàn của ASEAN.

Trong đó, ASEAN sử dụng các cơ chế đối tác, đối thoại, tham vấn và sử dụng nguyên tắc đồng thuận của mình để dẫn dắt các các nước, dù lớn dù bé, đều có thể lên tiếng và thể hiện sự can dự của mình ở các cấp độ khác nhau.

Qua đó, vị thế của ASEAN tăng lên, được trông cậy và tin cậy, để có thể đóng vai trò trung tâm của hầu hết các thể chế hình thành trong khu vực và liên khu vực. Nhằm tiếp tục duy trì vị thế, hình ảnh và vai trò trung tâm, các nước thành viên ASEAN lại càng thấy cần thiết phải gắn bó chặt chẽ với nhau.

Như vậy, phương cách ASEAN và nguyên tắc đồng thuận là cung nội lực, có tính nội sinh cho sự đoàn kết, cho sức mạnh của ASEAN, đảm bảo sự sống còn và phát triển của Hiệp hội.

Con đường không dễ dàng

Tuy nhiên, con đường đạt được sự đồng thuận về quyết sách, rồi từ quyết sách đến hành động, chưa bao giờ dễ dàng, đối với nội bộ ASEAN cũng như trong quan hệ của ASEAN với các nước đối tác lớn.

Việc khó đạt được sự đồng thuận nhanh chóng là do sự đa dạng về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế và nhiều nét khác biệt về văn hóa - xã hội giữa các quốc gia thành viên.

Đồng thuận – Nguyên tắc chủ đạo hình thành nên phương cách ASEAN
Đại sứ, TS. Luận Thùy Dương. (Ảnh: NVCC)

Về mặt thời gian, thủ tục thông qua quyết định của ASEAN thường nặng nề và chậm chạp, bởi vì nó luôn đòi hỏi những cuộc thảo luận và tham vấn lâu dài giữa các bên trước khi đi đến một thỏa thuận rồi đồng thuận. Điều này sẽ bất lợi trong trường hợp cần đưa ra các quyết định khẩn cấp.

Về mặt hiệu quả, để đạt được đồng thuận, đặc biệt là trong các trường hợp cấp bách, các nước ASEAN thường chọn cách thể hiện trung dung hoặc thoả hiệp, như vậy, giúp ASEAN giữ được hình ảnh là một tổ chức năng động, biết can dự và có tiếng nói, nhưng lại không thể hành động quả quyết, nhất quán.

Trong khi đó, trong bối cảnh tình hình ở khu vực và trên thế giới đang có nhiều biến động khó lường, ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, cả truyền thống và phi truyền thống, cả bên trong và bên ngoài khu vực.

Sự khác biệt về lợi ích, sự tương tác và tác động đa chiều ở những mức độ khác nhau, của các nước lớn, vào nhiều vấn đề khu vực, đã gây ra những khó khăn cho việc định hình một quan điểm chung của ASEAN về các vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, phát triển của khu vực.

Nguyên tắc đồng thuận cũng làm cho các quá trình tham vấn kéo dài và nhiều khi tạo ra sự khó xử giữa các nước thành viên ASEAN với nhau.

Hơn nữa, thời gian gần đây, trước những chuyển dịch địa-kinh tế, địa-chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga... đang phần nào khiến các nước khu vực ít nhiều bối rối trong việc lựa chọn hướng đi cho chính mình.

Do đó, ASEAN rất khó đạt được sự đồng thuận về quan điểm, nói gì đến thực thi chủ trương “đồng thuận”, chưa nói đến việc ASEAN có được tiếng nói chung để thể hiện được vai trò trung tâm trong các vấn đề thuộc khu vực của mình.

Điều chỉnh để thích ứng

Bối cảnh thế giới và khu vực đang buộc ASEAN phải có những điều chỉnh để thích nghi, phải đưa ra được những quyết định đúng đắn và kịp thời nhất để đưa Cộng đồng ASEAN, bao gồm 635 triệu dân và một nền kinh tế khu vực ngày càng hội nhập sâu rộng có thể tiếp tục phát triển.

"Việc điều chỉnh các nguyên tắc cơ bản, điều chỉnh nguyên tắc đồng thuận, dù ở mức độ nào đi nữa, cũng cần phải bảo đảm sự đoàn kết nội khối và sức mạnh tập thể của ASEAN" - Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thùy Dương.

Không chỉ điều chỉnh về hướng phát triển, cũng như xây dựng hình ảnh mới, yêu cầu điều chỉnh phương cách hoạt động cũng cấp thiết không kém, là bước đi cần thiết để ASEAN tiếp tục thể hiện được vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. Đã có nhiều đề xuất.

Một, ASEAN cần tiếp tục vận dụng nguyên tắc đồng thuận với sự linh hoạt cao hơn với công thức “ASEAN-X” hay “n+X” nhưng trên cơ sở đồng thuận trước khi thực hiện và phải thống nhất các lĩnh vực, giới hạn rõ hơn các vấn đề được thực hiện theo công thức linh hoạt này.

Hai, không nhất thiết phải thay đổi nguyên tắc đồng thuận, song ASEAN cần xem xét thiết lập các cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định đối với nguyên tắc này, trước hết là trong những vấn đề ít nhạy cảm.

Ba, ASEAN có thể quy định một danh mục cụ thể các vấn đề nhạy cảm, bắt buộc phải có đồng thuận, và một danh mục các vấn đề ít nhạy cảm, không nhất thiết phải có đồng thuận.

Bốn, ASEAN cần sớm trao đổi thẳng thắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế của các nước thành viên, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của khu vực, trong từng vấn đề, làm rõ đâu là giới hạn các nước thành viên có trách nhiệm bắt buộc phải đồng thuận và tới mức độ nào thì không cần đồng thuận.

Việc điều chỉnh các nguyên tắc cơ bản, điều chỉnh nguyên tắc đồng thuận, dù ở mức độ nào đi nữa, cũng cần phải bảo đảm sự đoàn kết nội khối và sức mạnh tập thể của ASEAN, cũng như bảo đảm tính linh hoạt, khả năng thích nghi và năng lực xử lý quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực của ASEAN.

Sự kết hợp giữa các nguyên tắc linh hoạt, các cơ chế bổ sung với các nguyên tắc cơ bản đã có, trong đó có nguyên tắc đồng thuận, xác định rõ mức độ tin cậy, trao đổi thẳng thắn các vấn đề nhạy cảm, trên các nền tảng đã được xây dựng trong hơn 50 năm qua, là hướng đi thích hợp nhất, để có thể duy trì một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, nâng cao được hiệu quả hợp tác và thực sự giúp ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác và xây dựng các thể chế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

ASEAN: Nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19

ASEAN: Nỗ lực phục hồi hậu đại dịch Covid-19

Về dài hạn, bất chấp cuộc suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra, ASEAN vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục là ...

Chuyên gia Malaysia: Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật trong ASEAN

Chuyên gia Malaysia: Việt Nam có nhiều đóng góp nổi bật trong ASEAN

Chuyên gia quan hệ quốc tế người Malaysia Oh Ei Sun đánh giá Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào hợp tác ...