📞

Tổng thống Mỹ Obama: Thay đổi chiến thuật?

17:55 | 01/10/2009
Lần đầu tiên xuất hiện tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ B. Obama đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận bởi những hé lộ về sự thay đổi chiến thuật trong chính sách ngoại giao và những cuộc gặp bên lề nhưng cực kỳ quan trọng...
Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trong bài phát biểu, ông Obama thẳng thắn thừa nhận rằng thế giới đã nghi ngờ và không tin tưởng Mỹ, một phần do Mỹ phản đối một số chính sách cụ thể của LHQ và hành động đơn phương trong một số vấn đề quan trọng. Ông Obama một lần nữa cam kết Mỹ sẽ không hành động đơn phương như trước và kêu gọi cả thế giới “cùng tiến về một hướng” để giải quyết các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và khủng khoảng kinh tế.

 

Thực ra, thông điệp này của ông Obama không phải là mới, nhưng lần này nó được trình bày theo cách hoàn toàn mới hay như nhận xét của phóng viên AP là “một cách khiêm tốn hơn”. Chính vì thế, bài phát biểu của ông Obama đã nhận được đôi tràng pháo tay - điều mà cựu Tổng thống Bush hiếm khi nhận được. Ngay cả Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, người chống đối Mỹ mạnh mẽ, cũng lắng nghe chăm chú tuy không vỗ tay tán thưởng.

 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì trọng tâm của sự thay đổi trong chính sách ngoại giao Mỹ lại nằm trong những cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Mỹ và đối tác quan trọng là Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

 

Cuộc đối thoại Obama - Medvedev hoàn toàn tập trung vào vấn đề Iran và nó diễn ra chỉ một tuần sau khi Obama tuyên bố từ bỏ kế hoạch lá chắn chống tên lửa tại châu Âu - vấn đề vốn gây nhiều căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ. Cuộc gặp đã có những kết quả nhất định: hai Bên đồng ý giải quyết vấn đề Iran thông qua đối thoại, nhưng không loại trừ khả năng áp đặt một lệnh trừng phạt.

 

Quan điểm dịu hơn của Nga trong vấn đề này được cho là hành động “đáp lễ” quyết định từ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Nhưng theo giới quan sát, đây là một con bài chiến lược rất khôn ngoan của chính quyền Obama chứ không phải một sự nhượng bộ trước lập trường của Nga. Thứ nhất, nó cho thấy sự thay đổi “tư duy đối với châu Âu” trên chính trường Mỹ. Quan điểm của ông Obama khác với người tiền nhiệm ở chỗ: không “làm thân” với các nước Đông Âu nhằm “chia rẽ EU” mà khi không còn hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, EU sẽ cần phải thỏa thuận lại với Mỹ về một chiến lược an ninh chung. Đồng thời, đây cũng là lời thúc giục các nước Đông Âu “nên hội nhập chặt chẽ hơn vào cơ chế NATO và EU để đảm bảo an ninh, thay vì tìm đến Mỹ”. Lý do thứ hai hết sức thực tế là quyết định tham gia dự án lá chắn tên lửa của chính phủ Ba Lan và Czech chưa bao giờ được sự ủng hộ rộng rãi dư luận trong nước. Hơn nữa, nguy cơ bị Nga tấn công bằng tên lửa ít hơn khả năng bị gây sức ép qua nguồn khí đốt vào mùa Đông.

 

Cuộc gặp Obama - Hồ Cẩm Đào chỉ dừng lại ở cam kết tiến tới một quan hệ “toàn diện”. Cho dù là đối tác thương mại lớn của nhau, nhưng Trung Quốc và Mỹ hiện đang va chạm với nhau trên rất nhiều phương diện, từ thương mại đến quan điểm an ninh, quốc phòng. Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair mới đây cảnh báo chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là một “sự đe dọa”. Đáp lại, phía Trung Quốc gọi sự chỉ trích này là “vô trách nhiệm và vô căn cứ”. Chưa hết, Mỹ mới đây đã tăng thêm thuế suất hải quan đối với lốp ô tô nhập từ Trung Quốc khiến Bắc Kinh khởi kiện Mỹ trước Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

 

Trong cuộc gặp với đồng minh truyền thống là Nhật Bản, mặc dù tuyên bố thực hiện chính sách “bớt phụ thuộc vào quan hệ đối ngoại với Mỹ” nhưng tân Thủ tướng Nhật Hatoyama đã ngay lập tức “chìa cành oliu” bằng cam kết hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Chính vì thế, chẳng có gì lạ khi ông Obama khẳng định rằng mối quan hệ đồng minh hơn nửa thế kỷ với Nhật Bản là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

 

Ngoài ra, ông Obama cũng đã chủ tọa cuộc họp ba bên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống của chính quyền Palestine Mahmoud Abbas      để bàn cách nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và người Palestine. Tuy Nhà Trắng mô tả có “bước tiến nhỏ nhưng quan trọng” trong tiến trình hòa bình Trung Đông, nhưng dư luận quốc tế cho rằng hiện chưa có chút hy vọng nào cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

 

Có thể thấy, thông qua một loạt những hoạt động ngoại giao tại Đại hội đồng LHQ, ông Obama đã thành công trong việc phục hồi hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế. Nhưng thành công ban đầu ấy sẽ chẳng được ghi nhận nếu như không có những kết quả cụ thể trong thời gian tiếp theo.

 

Trần Lợi