Nhỏ Bình thường Lớn

Tổng thống Mỹ tới Israel: Chuyến thăm rủi ro

Chuyến công du bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel vào thời điểm hiện tại ẩn chứa nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv ngày 18/10. (Nguồn: AFP/Getty Images)

“Tổng thống Joe Biden sẽ có chuyến thăm rủi ro tới Israel”, đó là tiêu đề bài báo đăng tải trên CNN (Mỹ) ngày 16/10. Song, với những gì đã diễn ra, đặc biệt là tranh cãi sau vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza ngày 17/10 khiến hàng trăm người thiệt mạng, những “rủi ro” đó đang lớn hơn bao giờ hết.

Thay đổi bất ngờ

Phát biểu trên máy bay Không lực Một khi đang trên đường tới Israel, ông chủ Nhà Trắng “bày tỏ sự giận dữ và đau buồn” về “vụ nổ” tại bệnh viện Al-Ahli. Đồng thời, ông kêu gọi tiếp tục làm rõ thông tin liên quan. Đáng chú ý, gặp gỡ Thủ tướng chủ nhà Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv, Tổng thống Joe Biden có phát biểu rõ hơn: “Dựa trên những gì tôi đã thấy, vụ việc này được thực hiện bởi ‘bên khác’, không phải các bạn… Song còn đó nhiều người ở ngoài kia vẫn chưa chắc chắn về điều này. Do đó, chúng tôi còn nhiều thứ phải vượt qua”.

Về phần mình, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đánh giá cao “sự minh bạch về đạo đức” và “cam kết vững chắc (của Mỹ) nhằm cung cấp cho Israel những gì cần thiết để bảo vệ mình”, kêu gọi: “Thế giới văn minh cần đoàn kết để đánh bại Hamas”.

Cùng lúc đó, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) công bố một số hình ảnh để chứng minh rằng vụ nổ ở bệnh viện Al-Ahli “không phải do Israel”. Tòa nhà bệnh viện và các công trình xung quanh không bị hư hại kết cấu, hiện trường không có hố sâu. Theo IDF, điều này cho thấy đây không phải đợt tấn công của Israel của IDF, bởi vũ khí của không quân Israel đều để lại hố lớn trên mặt đất khi kích nổ.

Tuy nhiên, quan điểm này không được các nước Arab Hồi giáo chia sẻ, khi họ cho rằng lực lượng Israel phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công nêu trên. Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã gọi đây “là thảm kịch lớn và một vụ thảm sát kinh hoàng không thể bị bỏ qua mà không ai chịu trách nhiệm”. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chỉ trích, gọi đây là “đợt tấn công của Israel”. Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Jordan cũng cho rằng Israel đứng sau vụ việc này.

Hội đồng châu Âu, Liên đoàn Arab, Liên minh châu Phi và hàng loạt quốc gia khác cũng chỉ trích cuộc tấn công, dù còn đó khác biệt trong xác định bên đứng sau hành động này. Đáng chú ý, sau khi vụ nổ diễn ra, Jordan đã hủy hội nghị thượng đỉnh tại Amman, vốn dự kiến có sự góp mặt của ông Biden, ông Abbas và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Mỹ đã xác nhận thông tin này.

Rủi ro khó đoán

Đầu tiên, chuyến thăm đơn lẻ tới Israel có thể gây tổn hại tới nỗ lực trung gian của ông Joe Biden. Ông Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến Trung Đông Scowcroft tại Chương trình Trung Đông, Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định: “Nếu Israel không nhượng bộ trước Mỹ để hành động thận trọng hơn hoặc chấm dứt xung đột, điều này có thể gây tổn hại tới lợi ích của Mỹ ở khu vực”.

Thứ hai, vụ nổ tại bệnh viện ở Dải Gaza và chuyến thăm đơn lẻ của ông Biden sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực thúc đẩy cứu trợ nhân đạo của xứ cờ hoa ở khu vực này. Trước đó, thảo luận với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh rằng, cần sớm đưa hỗ trợ nhân đạo vào Dải Gaza, thiết lập khu an toàn trong trường hợp IDF đổ bộ vào Dải Gaza, cũng như giải cứu các con tin Mỹ đang bị Hamas bắt giữ.

Bà Merissa Khurma, người đứng đầu Chương trình Trung Đông tại Viện Wilson (Mỹ), nhận định: “Trong tình hình hiện nay, chính quyền Mỹ đang gặp nhiều khó khăn để tìm ra hướng đi phù hợp. Việc tìm kiếm sự cân bằng là bất khả thi…”.

Cuối cùng, việc thiếu vắng hội nghị ở Amman để cân bằng lại chuyến thăm Tel Aviv của ông Biden, song song với sự ủng hộ lớn của Mỹ với Israel, có thể khiến căng thẳng leo thang. Trong chưa đầy hai tuần, Tổng thống, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tới Tel Aviv. Hai nhóm tàu sân bay của xứ cờ hoa sẽ tuần tra gần khu vực, với 2.000 binh sĩ nhận lệnh sẵn sàng tới một “quốc gia gần đó” để hỗ trợ Israel. Đó là chưa kể tới viện trợ quân sự về đạn dược, tên lửa cho hệ thống phòng không Vòm Sắt tiên tiến của Nhà nước Do Thái.

Thực tế cho thấy, trong những ngày qua, Israel đã hứng chịu nhiều đợt tấn công từ biên giới với Lebanon và Syria, với nguy cơ lớn nhất đến từ Hezbollah. Trước đó, Phó thủ lĩnh của lực lượng này Naim Qassem khẳng định sẽ “đóng góp vào cuộc đối đầu đó theo tầm nhìn và kế hoạch của chúng tôi”, đồng thời nhấn mạnh “sẽ chớp lấy” cơ hội khi thời cơ đến. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo Nhà nước Do Thái sẽ phải đương đầu với những “mặt trận mới”.

Trong bối cảnh xung đột hiện nay được dự báo là có thể lan rộng ra khắp khu vực, đây chắc chắn là kịch bản cả chính quyền Mỹ lẫn Israel không muốn thấy.

Trước tình hình đó, ông Aaron David Miller của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ) cho rằng, mối quan hệ đồng minh cho phép ông Biden sẽ có “trao đổi thẳng thắn” với ông Netanyahu về chiến dịch của Israel tại Dải Gaza. Tương tự, ông John Kirby, Điều phối viên chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nêu rõ: “Ông Biden sẽ nêu một vài câu hỏi khó, song với tư cách là một người bạn”.

Song, truyền tải thông điệp đó ra sao để vừa khẳng định sự ủng hộ với Israel, vừa thể hiện vai trò tích cực của Mỹ trong hạ nhiệt căng thẳng sẽ không hề đơn giản. Ông Miller nhấn mạnh: “Ông Biden đang ở trong bức tranh vô cùng phức tạp”.

Vụ Hamas tấn công Israel: Thủ tướng Benjamin hoãn chuyến thăm Czech, Tổng thống Petr Pavel khẳng định 'luôn sát cánh'

Vụ Hamas tấn công Israel: Thủ tướng Benjamin hoãn chuyến thăm Czech, Tổng thống Petr Pavel khẳng định 'luôn sát cánh'

Các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Czech và Israel sẽ không diễn ra vào ngày 9/10 như dự kiến do tình hình hiện ...

Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Putin

Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Putin

Bộ Ngoại giao Nga thông báo Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong ngày 16/10.

Tổng thống Mỹ muốn thực hiện chuyến đi táo bạo tới Israel để thể hiện thái độ của Washington

Tổng thống Mỹ muốn thực hiện chuyến đi táo bạo tới Israel để thể hiện thái độ của Washington

Một chuyến đi táo bạo của người đứng đầu Nhà trắng tới Israel, dù vẫn chưa được xác nhận nhưng có khả năng cao diễn ...

Điểm tin thế giới sáng 19/10: Triều Tiên đón Ngoại trưởng Nga, Thủ tướng Anh tới Israel, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 150% ngân sách quốc phòng

Điểm tin thế giới sáng 19/10: Triều Tiên đón Ngoại trưởng Nga, Thủ tướng Anh tới Israel, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 150% ngân sách quốc phòng

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 19/10.

Xung đột Israel - Hamas: Tình báo Mỹ nhận định về vụ nổ ở bệnh viện, 1.000 người Nga mắc kẹt ở Dải Gaza

Xung đột Israel - Hamas: Tình báo Mỹ nhận định về vụ nổ ở bệnh viện, 1.000 người Nga mắc kẹt ở Dải Gaza

Giáo hoàng lên tiếng, Ai Cập-Mỹ đạt thỏa thuận về đưa hàng viện trợ đến Dải Gaza là một số tin tức đáng chú ý ...