Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng nhắc nhở Nga vẫn đang nắm trong tay những vũ khí kinh tế chiến lược. (Nguồn: PRI) |
Đã hơn 6 tuần kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh cũng tung ra nhiều đòn tấn công kinh tế nhắm vào các khối tài sản và thương mại quốc tế của Nga.
Hơn 1.000 công ty, tổ chức và cá nhân, bao gồm cả các thành viên nội các của Tổng thống Vladimir Putin đã bị trừng phạt và đóng băng tài chính.
Đảo ngược tình thế
Vào tuần trước, Tổng thống Putin đã nhắc nhở thế giới rằng nước Nga có những vũ khí kinh tế riêng và ông có thể sử dụng để gây chao đảo các nền kinh tế khác.
Sau khoảng thời gian đồng Ruble tuột dốc, đã có lúc mất gần một nửa giá trị, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đã nỗ lực thành công khôi phục giá trị của đồng Ruble gần bằng thời điểm trước khi xảy ra xung đột.
Tiếp đó, nhà lãnh đạo Nga cũng đưa ra lời đe dọa cắt đứt nguồn cung khí đốt đến các quốc gia châu Âu nằm trong danh sách 48 quốc gia “không thân thiện”, đồng thời tuyên bố tất cả giao dịch khí đốt phải thanh toán bằng đồng Ruble.
Động thái cứng rắn này đã khiến các nhà lãnh đạo của Đức và Italy hốt hoảng khi các nước này rất cần nguồn nhiên liệu từ Nga để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế. Berlin thậm chí đã bắt đầu đưa ra các cảnh báo sớm nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu dòng chảy từ Nga bị cắt hoàn toàn.
EU nhập khẩu 40% nguồn khí đốt và 1/4 nguồn dầu mỏ từ Nga. Chính sự phụ thuộc đó đã khiến Mỹ và châu Âu miễn trừ lĩnh vực mua bán nhiên liệu khỏi các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng việc cắt giảm nhiên liệu sẽ khiến "đất nước và toàn bộ châu Âu rơi vào suy thoái".
Về phía Tổng thống Joe Biden, mặc dù đã công bố kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu từ nguồn cung dự trữ của Mỹ trong 6 tháng tới, đồng thời vận chuyển hơn nhiều khí đốt hóa lỏng sang châu Âu, nhưng điều đó vẫn không đủ để thay thế hoàn toàn nguồn nhiên liệu mà Nga cung cấp.
Theo viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels, việc bán năng lượng cho châu Âu mang lại 850 triệu USD/ngày vào kho bạc của Nga. Trong khi đó, Oxford Economics ước tính, doanh thu từ “ông trùm khí đốt” Gazprom của Nga đã bơm 9,3 tỷ USD vào nền kinh tế nước này chỉ trong tháng 3.
Lợi nhuận khổng lồ này góp phần giúp Nga tái thiết quân đội và làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt.
Việc EU chuyển đổi nguồn cung và thay thế bằng nguồn năng lượng khác sẽ rất tốn kém và khó khăn. (Nguồn: NY Times) |
Hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu
Trước tình thế đó, các nước châu Âu đang quyết tâm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu Nga với đề xuất cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên cho mùa Đông năm sau, và sẽ hoàn toàn ngừng nhập khẩu vào năm 2027.
Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu này là quá xa vời, không những thế còn có thể gây ra những hậu quả sâu rộng.
Bất kể phương thức nào, việc chuyển đổi nguồn cung và thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo khác sẽ rất tốn kém và khó khăn.
Nhìn chung, tình thế này có thể khiến người châu Âu nghèo hơn và lạnh hơn ít nhất trong một vài năm tới vì giá cả leo thang và hoạt động kinh tế bị giảm sút do thiếu hụt năng lượng.
Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine đã gây ra một loạt các hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu.
Thứ nhất, giá cả năng lượng tăng cao. Giá dầu đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014 và có xu hướng gia tăng khi xung đột kéo dài. Chi phí sưởi ấm ở châu Âu leo thang trong khi kho dự trữ khí đốt tự nhiên đang ở mức thấp.
Không những thế, lãnh đạo các nước này còn phải đối mặt với nguy cơ Moscow sẽ cắt giảm dòng chảy nhiên liệu để đáp trả việc phương Tây hỗ trợ Ukraine.
Thứ hai, giá lương thực sẽ có những biến động khi Nga là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới.
Ai Cập và các quốc gia khác phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lúa mì từ Nga đang nỗ lực tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Thứ ba, mối lo ngại về sự thiếu hụt các kim loại thiết yếu cho ngành chế tạo ô tô và các thiết bị điện tử như palladium và nickel đang gia tăng trong bối cảnh Nga là nước xuất khẩu kim loại lớn nhất thế giới có thể sẽ rút khỏi thị trường toàn cầu.
Thứ tư, rối loạn tài chính quốc tế. Các ngân hàng toàn cầu đang chuẩn bị cho tác động đến từ các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây cũng như các động thái tấn công mang tính trả đũa của Moscow.
Khi Washington cùng các đồng minh đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga và đẩy đồng Ruble vào vòng xoáy đi xuống, ngân hàng này đã tăng lãi suất lên 20%.
Đồng thời, chính phủ nước này cũng yêu cầu các công ty chuyển đổi 80% USD, Euro và các ngoại tệ khác thành đồng Ruble, đánh dấu sự hồi sinh của đồng tiền quốc gia Nga.
Chỉ trong vài tuần, ông Putin đã cắt đứt quan hệ kinh doanh và thương mại giữa Nga và các nền kinh tế châu Âu, vốn đã mất nhiều thập kỷ để xây dựng sau khi Liên Xô tan rã.
Theo một ước tính, khoảng 500 công ty nước ngoài đã mua cổ phần tại Nga phải thu hẹp hoạt động đầu tư của mình.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định, dù cuộc xung đột kết thúc theo chiều hướng nào thì Nga thì cũng sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để đảo ngược các động thái cô lập kinh tế, cũng như hàn gắn lại mối quan hệ vốn không mấy nồng ấm với quốc gia phương Tây.
| Ngoại giao quốc phòng: Vũ khí lợi hại để chiến đấu với khủng hoảng khí hậu Khủng hoảng khí hậu là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Trong bối ... |
| Mỹ nói lệnh trừng phạt khiến Nga thành nền kinh tế đóng, Trung Quốc tuyên bố không được 'vũ khí hóa' kinh tế thế giới Ngày 1/4, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt hàng loạt do Mỹ và các ... |