Bầu cử Mỹ 2020: 'Nga là người ngoài cuộc...'
Về quan hệ Nga - Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin lấy làm tiếc trước việc Mỹ bỏ qua lời kêu gọi của Nga nhằm nối lại hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin, cũng như nhiều sáng kiến quan trọng khác của Nga trước đây. Ông cũng cho rằng những phàn nàn của Mỹ đối với Nga trong lĩnh vực thông tin, can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói gì về quan hệ Nga-Mỹ? |
Đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, Tổng thống Nga khẳng định Nga là người ngoài cuộc và không can thiệp vào cuộc bầu cử này. Việc đánh giá quan điểm của các ứng viên Tổng thống là của cử tri nước Mỹ, là quá trình nội bộ của nước Mỹ.
Ông cho rằng phát biểu của ứng cử viên Biden trong cuộc tranh luận gây xôn xao dư luận gần đây, gọi Tổng thống Trump là “cún con của Putin”, là sự thể hiện sự thiếu văn hóa chính trị của ông Biden khi cố gắng làm bẽ mặt hoặc xúc phạm nguyên thủ quốc gia hiện tại, nhưng cũng nâng tầm nước Nga lên với “ảnh hưởng và quyền lực đáng kinh ngạc”. Tuy vậy, Tổng thống Nga nhấn mạnh không nên để tâm đến tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ, cứ để họ đấu đá với nhau miễn họ thấy phù hợp, trong bối cảnh các sự kiện hiện tại.
Lưỡng đảng ở Mỹ hiệp đồng kiềm chế Nga
Đối với hai ứng viên Tổng thống Mỹ, ông Putin đánh giá cao việc Tổng thống đương nhiệm Trump đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ phát triển quan hệ Nga-Mỹ, cho rằng Nga đã chú ý đến điều này ngay từ đầu, trong phát biểu của Tổng thống Trump trong lần tranh cử Tổng thống Mỹ trước, nhưng Nga cũng phải nhìn nhận một cách khách quan những gì xảy ra trong những năm gần đây.
Theo ông Putin, cho dù hai bên đã cố gắng làm được nhiều bước đi tích cực trong xây dựng quan hệ Nga-Mỹ, nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa thực hiện đầy đủ những ý định đã nói trước đó, phần lớn là do sự hiệp đồng nhất định của lưỡng đảng cần phải kiềm chế Nga, không để Nga phát triển. Ông cho rằng quan điểm này mang tính tổng thể, đa chiều nhưng là một hạn chế đối với chính quyền Mỹ hiện tại.
Ông Putin cũng cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, chính quyền của Tổng thống Trump đã đưa ra 46 quyết định trừng phạt hoặc mở rộng các biện pháp hiện có đối với Nga, rút khỏi Hiệp ước cắt giảm tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), thông báo bắt đầu thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.
Ông Putin bày tỏ lo ngại trước việc Mỹ rút khỏi INF, coi đó là bước đi nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến duy trì ổn định và an ninh thế giới, chỉ đứng sau quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Bush rút khỏi hiệp ước chống tên lửa năm 2002, trong khi việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở không làm Nga lo lắng.
Nga đã "quen với điều này..."
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga thể hiện vui mừng trước việc thương mại song phương tăng trưởng trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump bất chấp tất cả các trừng phạt và đại dịch Covid-19, góp phần thức đẩy việc làm, hoạt động kinh doanh, đầu tư… tại hai nước. Theo ông, “công việc chung của Nga và Mỹ nhằm ổn định thị trường năng lượng thế giới đã phát triển khá tốt”, một phần bởi Mỹ quan tâm đến việc duy trì sự ổn định nhất định trong việc đảm bảo hoạt động của các công ty dầu mỏ của mình.
Ông Putin cho rằng ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden có “luận điệu chống Nga khá sắc bén” nhưng Nga “đã quen với điều này”. Theo ông Putin, đảng Dân chủ, theo truyền thống của mình, gần gũi hơn với cái gọi là các giá trị tự do, gần với các ý tưởng dân chủ xã hội hơn khi so sánh với Châu Âu, mang nhiều giá trị cánh tả, và vì vậy “có một số cơ sở tư tưởng để thiết lập các liên hệ với đại diện của đảng Dân chủ”.
Ngoài ra, Nga cũng chia sẻ một vài giá trị chung với đảng này, khi đảng Dân chủ có lượng cử tri người Mỹ gốc Phi ổn định, và Liên Xô trước đây ủng hộ phong trào của người Mỹ gốc Phi hướng tới việc đảm bảo các quyền hợp pháp của họ.