Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TASS) |
Trước đó, hồi tháng Ba, ông Putin đã nhận được 87,28% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống có số cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại Nga, lên tới 77,44%.
Lễ nhậm chức nội bộ
Lễ nhậm chức của Tổng thống Putin diễn ra hoành tráng với sự tham gia của hàng nghìn người, đại diện cho các giới chính trị, quân sự, văn hóa, các nhà hoạt động xã hội trong nước. Tuy nhiên, sự tham dự của đại diện các nước phương Tây trong buổi lễ hạn chế và quan điểm khá chia rẽ. Pháp, Hungary và Slovakia đã cử Đại sứ tại Moscow đến dự, mặc dù trước đó một ngày Đại sứ Pháp được Bộ Ngoại giao Nga triệu tập do tuyên bố của Tổng thống Pháp liên quan đến gửi quân đến Ukraine.
Đối với các nước EU và phương Tây khác, không có đại diện tham dự lễ nhậm chức với những lý do khác nhau. Trước đó vài ngày, Đại sứ Đức được gọi về nước để tham vấn còn Đại sứ Mỹ trở về Washington một thời gian không xác định. Theo Thư ký báo chí của Nhà Trắng, chính quyền Mỹ đã lệnh cho đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Moscow không tham dự lễ nhậm chức với lý do phản đối hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Sáu năm trước, buổi lễ có sự tham dự của nhiều vị khách nước ngoài, trong đó có Thủ tướng Israel và Tổng thống Serbia. Tuy vậy, lần này không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào, mặc dù lãnh đạo các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgizia đến Moscow tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh kinh tế Á - Âu ngày 8/5 còn Chủ tịch Lào và Cuba có mặt tại lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5.
Không từ bỏ nguyên tắc
Các nhà bình luận cho rằng, lễ nhậm chức của Tổng thống Putin diễn ra trong thời điểm định mệnh lịch sử của nước Nga, xét về mức độ phức tạp, quy mô của những thách thức, nhiệm vụ mà Nga phải đối mặt. Chiến dịch quân sự đặc biệt, các vụ tấn công vào lãnh thổ Nga, đe dọa đánh cầu Crimea, hàng chục nghìn lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây áp đặt lên nền kinh tế đang hàng ngày tác động đến mọi quá trình vận hành của chính quyền và đời sống người dân Nga.
Bối cảnh thời điểm nhậm chức lần thứ năm của Tổng thống Putin có thể so sánh với thời điểm lần đầu ông nhậm chức vào năm 2000. Những năm đầu của thế kỷ XXI, nước Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng, chia rẽ và câu hỏi đặt ra thời điểm đó là chọn con đường nào đi tiếp. Tiếp tục củng cố quyền lực của chế độ do giới tài phiệt dẫn dắt, mà điều đó sẽ dẫn tới sự tan rã và sụp đổ dần dần của Liên bang Nga rộng lớn hay là sự thực thi các nguyên tắc quyền lực cơ bản của một Nhà nước, xóa bỏ sự can thiệp vào hoạt động chính quyền của tầng lớp thượng lưu thân phương Tây.
Chính thời điểm này, ông Putin đã đi theo con đường thứ hai, từng bước đưa nước Nga ra khỏi bờ vực thẳm. Người dân Nga mong muốn và chờ đợi một nhà lãnh đạo quyền lực, mạnh mẽ như vậy. Trong một phần tư thế kỷ qua, ông Putin là nhà lãnh đạo quốc gia có uy tín rất cao đối với cử tri Nga. Ông luôn tin tưởng tuyệt đối vào người dân Nga, không bao giờ từ bỏ những nguyên tắc, mục tiêu, thế giới quan của mình.
Điều này được thể hiện rất rõ trong phát biểu của ông tại lễ nhậm chức lần thứ năm này. Tuyên bố đây là vinh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng to lớn, Tổng thống Putin khẳng định ưu tiên hàng đầu là lợi ích và sự an toàn của người dân Nga.
Đề cập những phẩm chất của người dân Nga và ý thức trách nhiệm đối với những người đã đóng góp lớn lao cho nước Nga, ông Putin nói, nước Nga trở thành cường quốc nhờ sự cống hiến và lòng yêu nước của người dân Nga.
Về chính sách đối ngoại, ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga luôn sẵn sàng củng cố quan hệ tốt đẹp với tất cả các quốc gia coi Nga là đối tác trung thực và đáng tin cậy.
Nga không từ chối đối thoại với các nước phương Tây, gồm cả các vấn đề an ninh và ổn định chiến lược, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau. Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới đa cực, một hệ thống an ninh bình đẳng.