Tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande thăm Cấp Nhà nước tới Việt Nam gồm có: Quốc Vụ khanh phụ trách về Phát triển và Pháp ngữ André Vallini; Quốc Vụ khanh phụ trách Thương mại Martine Pinville.
Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande sinh ngày 12/8/1954 tại Rouen. Ông tốt nghiệp Trường Nghiên cứu cao cấp thương mại Paris (HEC Paris) và Viện Nghiên cứu chính trị Paris; là cựu sinh viên Trường Hành chính quốc gia (ENA).
Tổng thống Pháp Francois Hollande. (Nguồn: Independent Balkan News Agency) |
Năm 1979, ông Francois Hollande gia nhập Đảng xã hội; năm 1980 tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia và trở thành Kiểm toán viên tại Tòa thẩm kế. Thời gian này, ông cũng là giảng viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris.
Năm 1981, ông Francois Hollande là ứng cử viên trong kỳ bầu cử tại tỉnh Corrèze. Năm 1983, ông được bổ nhiệm Chánh Văn phòng của hai phát ngôn viên liên tiếp của chính phủ Pierre Mauroy.
Năm 1984, ông trở thành thẩm phán Kiểm toán tại Tòa thẩm kế. Tại kỳ bầu cử năm 1988, ông được bầu là đại biểu đơn vị bầu cử thứ nhất tỉnh Corrèze. Từ năm 1988 đến 1991, ông là giảng viên kinh tế Viện nghiên cứu chính trị Paris.
Tháng 11/1994, ông trở thành Bí thư toàn quốc của Đảng xã hội phụ trách các vấn đề kinh tế. Năm 1995, ông được bổ nhiệm làm phát ngôn viên Đảng xã hội. Năm 1997, ông Francois Hollande trở thành Bí thư thứ Nhất Đảng xã hội.
Vào tháng 3/2011, ông chính thức trở thành ứng cử viên tại vòng nội bộ Đảng xã hội để tham gia tranh cử tổng thống và đạt thắng lợi vào tháng 10/2011. Tháng 5/2012, ông Francois Hollande trở thành vị Tổng thống thứ 7 của nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp.
Ông Francois Hollande đã qua các chức vụ: Từ năm 1997 đến 2008 là Bí thư thứ nhất Đảng xã hội; từ năm 2001 đến năm 2008 là thị trưởng thành phố Tulle; từ năm 1988 đến năm 1993, tiếp đó từ năm 1997 đến năm 2012 là đại biểu tỉnh Corrèze; từ năm 2008 đến năm 2012 là Chủ tịch Hội đồng tỉnh Corrèze.
Chuyến thăm Cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande nhằm cụ thể hóa nội hàm Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy một số thỏa thuận hợp tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.