Điện Malacañang cho biết, Philippines và Trung Quốc đã ký tổng cộng 14 thỏa thuận song phương, trong đó có thỏa thuận thiết lập cơ chế liên lạc về các vấn đề hàng hải giữa hai nước.
Theo báo Manila Times (Philippines), hai bên lần đầu tiên ký kết kế hoạch hành động chung giai đoạn 2023-2025 về hợp tác nông nghiệp và thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, một biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong Sáng kiến vành đai và con đường (BRI) - chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại giữa châu Á, châu Âu và châu Phi.
Bên cạnh đó, Manila và Bắc Kinh đã ký một số MOU khác về công nghệ thông tin, du lịch, hợp tác thương mại điện tử và Kế hoạch hợp tác phát triển 2023-2025, đồng thời đạt được một thỏa thuận về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, và thống nhất các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu sầu riêng tươi từ Philippines sang Trung Quốc.
Trong thời gian gần đây, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, cả hai quốc gia đang tìm cách đầu tư vào cầu đường và các dự án khác, ngoài lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Theo đó, hai bên đã bàn giao Trung tâm hợp tác kỹ thuật-công nghệ nông nghiệp Philippines-Trung Quốc giai đoạn 3, cùng với hai dự án cầu do Trung Quốc tài trợ ở Manila.
Chính phủ Philippines và Trung Quốc cũng đã đạt được một thỏa thuận khung về việc tài trợ bằng đồng Nhân dân tệ cho ba dự án ưu tiên của Bộ Công trình công cộng và Đường cao tốc, cũng như ký kết bốn thỏa thuận cho vay để tài trợ tín dụng hỗn hợp cho ba dự án cầu ưu tiên thuộc Bộ trên.
Ngoài ra, danh sách còn bao gồm một thỏa thuận công nhận lẫn nhau về các chương trình ủy quyền điều hành kinh tế và thiết lập cơ chế liên lạc về các vấn đề hàng hải giữa Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Philippines.
Về vấn đề Biển Đông
Một trong những mục đích chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Marcos là tìm cách xoa dịu những căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa hai nước.
Trước đó, người đứng đầu Philippines đã khẳng định, các vấn đề hàng hải không quyết định toàn bộ mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, song vẫn có tầm quan trọng đáng kể.
Ngày 4/1, trang Washington Post (Mỹ) đã đưa tin, sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Marcos cho biết hai bên đã thảo luận về những nỗ lực “để tiến về phía trước, tránh mọi sai lầm, cũng như những hiểu lầm có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn”.
Khi Tổng thống Marcos đưa ra trường hợp của ngư dân Philippines - những người đã bị hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc ngăn chặn tiếp cận các khu vực hoạt động truyền thống, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tìm ra giải pháp có lợi “để ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá trở lại trong ngư trường tự nhiên của họ”.
Theo bản tuyên bố chung mà Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) công bố ngày 5/1, hai nhà lãnh đạo đã “trao đổi quan điểm sâu sắc và thẳng thắn về tình hình ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng các vấn đề hàng hải không bao gồm tổng thể các mối quan hệ giữa hai nước và thống nhất sẽ quản lý sự khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình”.
Từ đó, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Philippines đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cũng trong cuộc hội đàm, hai bên đã kêu gọi tiến hành “tham vấn hữu nghị để giải quyết một cách thích hợp các vấn đề trên biển”, đồng thời nối lại các cuộc đàm phán về thăm dò dầu khí.
Một chương mới
Theo một số chuyên gia, chuyến thăm tới Bắc Kinh lần này được coi là phép thử với “chính sách đối ngoại độc lập” và “không chọn bên” mà Tổng thống Marcos theo đuổi kể từ khi nhậm chức.
Hơn một tháng sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Manila và đưa ra các cam kết đối với đồng minh quan trọng tại khu vực, ông Marcos đã bắt đầu chuyến công du tới Trung Quốc từ ngày 3/1, như một nỗ lực nhằm tái khẳng định chính sách cân bằng quan hệ giữa các nước lớn.
Đây là cơ hội quan trọng giúp Tổng thống Marcos thúc đẩy mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức lớn và nguồn khách du lịch lớn thứ hai của nước này trước đại dịch Covid.
Đặc biệt, thông qua chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines trong 3 ngày vừa qua, Manila và Bắc Kinh đã cam kết tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương. Trong đó, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, nhằm khôi phục và vượt qua kim ngạch thương mại hai chiều như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Khởi đầu năm 2023 với kết quả “gặt hái” được 14 thỏa thuận song phương, người ta cho rằng một chương mới sẽ mở ra cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc-Philippines.
|
Mỹ-Trung Quốc: Kỳ phùng địch thủ trong cuộc chiến bán dẫn?
Giờ đây, chất bán dẫn là cơ sở để tính toán sức mạnh cũng như an ninh của một quốc gia. Đó là lý do ... |
|
Covid-19 ở Trung Quốc: EU ra tay tương trợ, các nước tiếp tục công bố kế hoạch với du khách từ quốc gia hơn tỷ dân
Nhiều quốc gia phương Tây mới đây đã công bố các quy định liên quan du khách đến từ Trung Quốc, trong bối cảnh chính ... |
|
Tổng thống Philippines thăm Trung Quốc: Kỳ vọng nâng quan hệ 'lên tầm cao mới'
Ngày 3/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. lên đường thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước trong 3 ngày tới Trung Quốc với ... |
|
Philippines-Trung Quốc nhất trí lập kênh liên lạc trực tiếp về Biển Đông, thúc đẩy hợp tác thăm dò dầu khí
Các lãnh đạo Trung Quốc và Philippines đã nhất trí thiết lập các kênh liên lạc trực tiếp về vấn đề Biển Đông, cũng như ... |
|
Hé lộ điểm đến tiếp theo Tổng thống Philippines dự kiến ghé thăm sau Trung Quốc
Ngày 5/1, phát biểu họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc kéo dài 3 ngày, Tổng thống Philippines ... |