Tổng thống Philippines tuyên bố sẵn sàng điều các tàu quân sự tới Biển Đông để 'đánh dấu chủ quyền' những nguồn khoáng sản và dầu mỏ. (Nguồn: Reuters) |
Trên truyền hình vào chiều 19/4, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi hàng trăm tàu Trung Quốc (mà Bắc Kinh nói rằng đó là tàu cá) xuất hiện ở Đá Ba Đầu, ông Duterte nêu rõ: "Nếu chúng ta tới đó để xác nhận quyền tài phán, sẽ rất đẫm máu".
Tổng thống Philippines cho hay, hiện tại, ông "không quan tâm nhiều tới đánh bắt cá bởi lượng cá đủ lớn để tranh cãi".
Tuy nhiên, Tổng thống Duterte nói rằng: "Khi chúng ta bắt đầu khai thác (dầu khí), khi chúng ta bắt đầu lấy được bất cứ thứ gì trong lòng Biển Đông, vào lúc đó, tôi sẽ cử các tàu xám đến đó để đánh dấu chủ quyền".
Theo ông Duterte: "Nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ hỏi có phải là một phần trong thỏa thuận không? Nếu không phải, tôi cũng sẽ khoan dầu ở đó. Nếu họ lấy được dầu thì đó sẽ là lúc chúng ta nên hành động".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa đưa ra bình luận.
Tổng thống Duterte đưa ra phát biểu trên dù tái khẳng định muốn duy trì tình hữu nghị với Bắc Kinh. Ông cũng liên tiếp nói rằng, Philippines không đủ sức mạnh để ngăn cản Trung Quốc, việc thách thức Bắc Kinh có nguy cơ gây ra một cuộc chiến mà Manila sẽ thất bại.
Liên quan việc hàng trăm tàu Trung Quốc neo đậu ở Đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tại cuộc họp báo ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế: Theo đó, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc đóng góp vào việc duy trì hòa bình an ninh ổn định và trật tự pháp lý trên biển trong khu vực. |