📞

Tổng thống Putin - Sự lựa chọn của nước Nga

13:30 | 12/05/2018
Thách thức chèo lái con thuyền nước Nga vượt qua tình thế bao vây cô lập của phương Tây và những khó khăn kinh tế đang chờ đợi ông Putin trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4.

Với 76,65% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 3/2018. Hai tháng sau, đúng 12 giờ ngày 7/5 (tức 16h Việt Nam), ông Putin nổi bật trên bục tuyên thệ, giữa khung cảnh tráng lệ của Điện Kremlin trên cương vị người quyền lực nhất xứ sở bạch dương.

Ông Putin giờ đây đã trở thành “huyền thoại” trong lòng người dân Nga, là “thương hiệu” của nước Nga. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin đang đạt mức cao chưa từng thấy. Sau 18 năm kể từ khi ông lên cầm quyền, Nga đã có những thay đổi rõ rệt. Từ một quốc gia với sự hỗn loạn dưới thời Boris Yeltsin, Nga khôi phục được vị thế chính trị cũng như tiềm năng kinh tế vốn có của mình.

Đa phần người Nga đều thấy vị Tổng thống của mình là một người mạnh mẽ và tự tin, các mệnh lệnh của ông đều được tôn trọng, là người bảo vệ nước Nga trước phương Tây và là một vị lãnh đạo tài năng đầy tâm huyết. Phát biểu tại buổi lễ nhậm chức, ông Putin nhấn mạnh: “Trách nhiệm và lý tưởng sống của cuộc đời tôi là vì nước Nga, cả ở hiện tại và tương lai, vì sự hòa bình, thịnh vượng và ấm no đến mọi gia đình Nga”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ tuyên thệ nhậm chức lần thứ 4, ngày 7/5. (Nguồn: AP)

Vì một “nước Nga mạnh mẽ”

Trong bối cảnh quan hệ Nga - phương Tây tiếp tục leo thang căng thẳng cùng với những dấu hiệu báo động về sự sụt giảm của nền kinh tế, nhiều khả năng đương kim Tổng thống Putin sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ sáu năm tiếp theo đầy thử thách.

Dưới sức ép của giá dầu giảm, đồng Rúp mất giá, lạm phát, tiền lương bình quân ở Nga đã giảm từ mức tương đương 867 USD/tháng vào năm 2013 xuống còn 553 USD/tháng năm 2017. Mức tăng trưởng trở lại sau thời gian suy thoái của Moscow cũng chỉ đạt 1,5%, thấp hơn mục tiêu 2% mà Chính phủ Nga đề ra, đặc biệt là so với mức tăng 8,5% đạt được vào năm 2007.

Lời hứa “mang đến sự thịnh vượng cho mọi gia đình Nga” đè nặng lên vai Tổng thống Putin, khi mà có tới 20 triệu người dân Nga đang sống dưới mức nghèo khó. Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), thu nhập thực tế của người dân trong 4 năm qua liên tục giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối cao 5,1%.

Ngay sau buổi lễ nhậm chức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một văn kiện quan trọng có tên “Nghị định tháng Năm”, xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2024. Theo đó, trọng tâm chính sách đối nội trong nhiệm kỳ tổng thống 6 năm tới của ông Putin là đưa nước Nga lọt “top 5” nền kinh tế lớn nhất thế giới, nâng cao mức sống người dân và giảm 50% tỷ lệ người nghèo.

Phương Tây cần dè chừng

Sau bốn năm kể từ sự kiện Crimea, các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Moscow ngày càng tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu thô.

Theo giới chức ngoại giao nước ngoài, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ tiếp tục được duy trì trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin. Sau khi ông thắng cử vào tháng Ba, Nga đã liên tục bị phương Tây công kích, từ việc Anh cáo buộc đầu độc cha con điệp viên Sergei Skripal, đến việc ủng hộ Chính phủ Syria kể cả sau khi Mỹ nói Syria tấn công hoá học dân thường. Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng Tư, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã nã 103 tên lửa vào Syria, bất chấp cảnh báo của Nga. Gói trừng phạt mới của Mỹ cũng gây bất ổn cho thị trường tài chính Mosow, khiến hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc.

Tuy nhiên, những gì Nga đang thể hiện cho thấy nước này không muốn gia tăng căng thẳng với phương Tây. Giới quan sát nhận định ông Putin đang cố gắng kiềm chế, tìm cơ hội cải thiện quan hệ và giảm áp lực kinh tế cho Moscow. Nhưng chắc chắn Moscow sẽ không ngồi yên và hứng chịu các lệnh trừng phạt mới. Tháng Năm tới, Quốc hội Nga dự kiến sẽ lên kế hoạch trả đũa doanh nghiệp Mỹ, đáp trả lệnh trừng phạt mới đây của Washington.

Tổng thống Putin từng thẳng thắn tuyên bố: “Nga sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình và rũ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào phương Tây”. Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư, chính sách đối ngoại của ông Putin được xác định là tìm cách khôi phục vị thế và ảnh hướng của Nga trên trường quốc tế. Trước đó, những chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria của Tổng thống Putin đã đạt nhiều thành công khi biến nước Nga trở thành đối thủ ngang hàng với phương Tây và mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông.

Việc ông Putin tiếp tục trở thành Tổng thống Nga không còn là điều đáng bàn, bởi ông vẫn là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay. Thông qua những là phiếu, người dân Nga đã đặt hoàn toàn niềm tin và tương lai của đất nước vào tay vị Tổng thống 65 tuổi trong bối cảnh Nga đang đối mặt với hàng loạt các thách thức ở phía trước.