📞

Tổng thống Trump công du Ấn Độ: Chuyến đi gỡ rối

09:49 | 22/02/2020
TGVN. Chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump kể từ năm 2016 sẽ là cơ hội hàn gắn bất đồng, thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương.
Tổng thống Trump đón Thủ tướng Modi thăm Nhà Trắng năm 2019. (Ảnh: AP)

Bất đồng về thương mại và quân sự

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tồn tại những bất đồng, đặc biệt là bất đồng về thương mại, bắt đầu nhen nhóm từ tháng 3/2018 khi Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên" với việc áp các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, ở mức lần lượt 10% và 25%. Nhằm gia tăng áp lực với Ấn Độ về mở cửa thị trường, kể từ ngày 5/6/2019, Mỹ chính thức chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).

Theo chương trình GSP kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào thị trường Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại. Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GPS trong nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,7 tỷ USD sang Mỹ năm 2017. Trong khi đó, giai đoạn 2017-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ là 26,7 tỷ USD. Với việc chấm dứt cơ chế ưu đãi GSP cho Ấn Độ, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện ô tô và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%.

Động thái này của Mỹ đã khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ-Ấn rạn nứt. Để đáp trả, Ấn Độ cũng tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ từ ngày 16/6 sau nhiều lần trì hoãn. Trước đó, tháng 6/2018, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ, trong đó có hạt hạnh nhân và táo nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm. Ấn Độ cũng siết chặt quản lý hoạt động công ty thương mại điện tử Flipkart, công ty con của Tập đoàn bán lẻ Walmart, Mỹ, và Amazon tại thị trường đông dân thứ hai thế giới này.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ xúc tiến kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, làm dấy lên khả năng Washington áp đặt trừng phạt New Delhi liên quan đến thương vụ này. Thỏa thuận về việc chuyển giao 5 trung đoàn S-400 Triumph đã được Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Narendra Modi ký kết tháng 10/2018. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 5/2/2019 đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 3, sau Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đặt mua các tổ hợp vũ khí này của Nga. Tuy nhiên, điều này khiến Mỹ không hài lòng, bởi Mỹ vẫn là một trong những nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ trong hơn một thập kỷ qua, bán hơn 15 tỷ USD vũ khí, bao gồm nhiều khí tài như máy bay vận tải, khí tài săn tàu ngầm tầm xa và máy bay trực thăng hạng nặng. Năm 2016, Mỹ đã tuyên bố coi Ấn Độ là đối tác quốc phòng lớn, đồng thời thúc đẩy việc bán các thiết bị quân sự công nghệ cao cho Ấn Độ, như một phần trong chiến lược thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ để làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Các nhà phân tích nhận định, Mỹ có thể sẽ kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống đối thủ bằng trừng phạt (CAATSA), theo đó, cấm mọi sự liên hệ của các quốc gia nước ngoài với Nga về vấn đề quốc phòng.

Ngoài vấn đề liên quan đến Nga, quan hệ hai nước cũng bị chia rẽ khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu của Iran. Mỹ đang hối thúc các nước ngừng nhập khẩu dầu từ Iran sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JPCOA) giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) được ký hồi tháng 7/2015. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường hàng đầu của ngành dầu mỏ Iran, chỉ sau Trung Quốc. Đến nay, Ấn Độ vẫn chưa quyết định về việc có cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran hay không, hoặc cắt giảm số lượng bao nhiêu.

Cơ hội để tháo gỡ

Trước những bất đồng đang hiện hữu, chuyến thăm của Tổng thống Trump lần này được coi là nỗ lực tháo gỡ những bất đồng nhằm thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi giới lãnh đạo hai nước đều nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ song phương gần gũi hơn nữa.

Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Dehli thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh vực quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Ấn Độ chủ trương thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Mỹ là để hình thành liên minh đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh sự hiện diện toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương. Hơn nữa, việc Ấn Độ thúc đẩy quan hệ với Mỹ cũng nằm trong việc đối phó với các thách thức của tiểu lục địa Ấn Độ, đáng chú ý là sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.

Đối với Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nâng cao hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong cục diện an ninh khu vực nằm trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Trump từ khi lên cầm quyền. Bên cạnh đó, Mỹ cũng hiểu rõ tiềm năng to lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và luôn muốn duy trì sự hợp tác này.

Trong khuôn khổ chuyến công du này, Tổng thống Trump sẽ hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi, thăm thủ đô New Delhi và bang miền Tây Gujarat. Tại cuộc hội đàm, dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ cùng chia sẻ quan điểm theo đuổi mối quan hệ song phương gắn bó hơn nữa, đặc biệt vấn đề hàn gắn mối quan hệ song phương vốn bị tổn thương do các tranh cãi về thương mại, việc Ấn Độ mua hệ thống S-400 của Nga, vấn đề chống khủng bố và an ninh quốc gia, năng lượng, vấn đề liên quan đến visa H1B cũng như tình hình ở Afghanistan, vấn đề Iran và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dự kiến, Tổng thống Trump và Thủ tướng Narendra Modi sẽ ký 5 MoU về hợp tác song phương.

Để tạo điều kiện cho chuyến đi của Tổng thống Trump, ngay trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá 1,867 tỷ USD cho Ấn Độ. Về phần Ấn Độ, ngày 19/2, nội các nước này đã phê chuẩn kế hoạch ký một bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ với Mỹ. Mỹ từ lâu đã hối thúc Ấn Độ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bất đồng thương mại giữa hai nước. Ấn Độ vẫn nằm trong danh sách các quốc gia cần giám sát liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Modi luôn cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Hiện chưa rõ kết quả cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo hai nước ra sao, song các nhà phân tích vẫn cho rằng với những lợi ích chung, chắc chắn hai nước đều nỗ lực hướng tới tháo gỡ những bất đồng hiện tại. Ngoài ra, về mặt chính trị, trong bối cảnh chuẩn bị chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020, việc căng thẳng thương mại với Ấn Độ vốn được dự báo sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên cũng phần nào làm ảnh hưởng tới tâm lý của dư luận trong nước. Vì vậy, theo giới phân tích, xử lý khéo léo vấn đề này một cách "thuận cả đôi đường" để thu hút được nhiều hơn sự ủng hộ của người dân Mỹ sẽ là nhiệm vụ quan trọng với Tổng thống Trump.

(Theo TTXVN)