Trong một tuyên bố mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders thông báo, Tổng thống Mỹ mong muốn tới tham dự hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà quản lý kinh doanh hàng đầu.
Tổng thống Mỹ mong muốn tới tham dự hội nghị của giới tinh hoa tại Davos. (Nguồn: Nytimes) |
"Tổng thống Mỹ coi đây là cơ hội để thúc đẩy chương trình nghị sự đầu tiên của Mỹ với các nhà lãnh đạo thế giới. Tại WEF năm nay, Tổng thống đã lên kế hoạch đẩy mạnh các chính sách của ông, nhằm tăng cường lợi ích cho các doanh nghiệp Mỹ, các ngành công nghiệp Mỹ và công nhân Mỹ", bà Sanders cho biết.
Kế hoạch xuất hiện của ông Trump tại một sự kiện quan trọng của giới tinh hoa thế giới, khi ông bắt đầu bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ, được cho là một thông điệp của chủ nghĩa dân túy kinh tế mà ông là người dẫn đầu.
Năm 2016, cũng tại Davos, chiến thắng của ông Trump được ví như một đòn giáng vào những nguyên tắc mà các bậc tinh anh tại Davos vẫn đang theo đuổi, từ toàn cầu hóa và thương mại tự do cho đến chủ nghĩa đa cực. Và vị tổng thống từ đảng Cộng Hòa Mỹ được coi như là người đại diện cho làn sóng mới của chủ nghĩa dân túy, đang ngày càng lan rộng tại các quốc gia phát triển và đe dọa trực tiếp đến trật tự tự do dân chủ của thế giới.
Trở lại cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, một trong biện pháp mà ông Trump đã sử dụng để giành chiến thắng là đối đầu với các tầng lớp tinh hoa ở Hoa Kỳ và hứa sẽ làm “trong sạch” Washington, từ các nhà vận động hành lang, cho tới ảnh hưởng của công ty dẫn đầu. Những yếu tố này được coi như đặc trưng của những người thường xuyên tham dự diễn đàn Davos.
Tuy nhiên, người đứng đầu nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới cũng từng trải qua cả cuộc đời với tư cách là một chuyên gia về bất động sản và truyền hình, muốn được giới tài chính và truyền thông trên toàn thế giới công nhận. Là một doanh nhân thành công trên thương trường, với ông Trump, thế giới cũng là thương trường. Thương trường này chỉ tuân theo một quy luật và một nguyên tắc mạnh được - yếu thua và mục tiêu chính sách đối ngoại của một quốc gia là phát huy quyền lợi đất nước mình trước. Bởi vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ tới Davos 2018 được cho là để chứng minh rằng, ông đã đạt được mục tiêu đó.
Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã ghi điểm, khi trở thành vị Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên hòa mình vào đám đông doanh nghiệp và giới truyền thông ở Davos. Sự xuất hiện của ông Tập tại vùng núi giá lạnh của Thụy Sỹ chỉ trước lễ nhậm cức của ông Trump vài ngày, như khẳng định vai trò ngày càng lớn của Bắc Kinh trên trường quốc tế, đặc biệt trong thời điểm, ông Trump không giấu giếm chính sách đặt nước Mỹ lên trước.
Thị trấn Davos trên đỉnh núi Alps của Thụy Sỹ. (Nguồn: Switzerland-trips) |
Đến hẹn lại lên, khi năm mới bắt đầu thì hơn 2.500 thành viên của giới tinh hoa toàn cầu lại tập trung về khu nghỉ dưỡng Davos trên đỉnh núi Alps của Thụy Sỹ để bàn về những thách thức và xu hướng chính trị, kinh tế của thế giới.
Những người tham dự bao gồm các nhà báo và các nhà bình luận, những người nổi tiếng của Hollywood, các nhà nghiên cứu, giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo kinh doanh khác, và một số nhà lãnh đạo quốc gia. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tham dự diễn đàn vào năm 2000, nhưng cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush đã không tham dự các cuộc họp trong thời gian họ ở Nhà Trắng.
Được thành lập vào năm 1971 bởi Giáo sư kinh tế người Đức Klaus Schwab, Hội nghị được cho là bị chi phối bởi các nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu. Tuy nhiên, sự kiện này cũng thu hút các nhà lãnh đạo thế giới, khi họ muốn tận dụng cơ hội này như là một cách để tiến hành những cuộc đối thoại song phương không chính thức.