25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có John Cornyn – người được coi như nhân vật thứ hai của đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã gửi một bức thư tới Tổng thống Mỹ Trump yêu cầu ông "xem xét việc trở lại đàm phán Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)" và có một quan điểm mềm mỏng hơn về thương mại, bất chấp Chính quyền Trump vẫn đang tiếp tục hướng tới việc dựng lên nhiều rào cản thương mại hơn.
Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn Hãng tin CNBC tại WEF Davos (Thụy Sỹ), ngày 25/1. (Nguồn: Getty Images) |
TPP có lợi cho chương trình cải cách của ông Trump
Tổng thống Trump vốn từng không ngần ngại rút khỏi TPP, ngay trong tuần đầu tiên bước vào Nhà Trắng, sau khi gọi thỏa thuận thương mại này là "thảm hoạ" và gây "kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế số 1 thế giới" trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Bức thư các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi tới Tổng thống Trump có đoạn viết: "Chúng tôi cho rằng, các quyết định và cải cách tích cực của ngài bảo đảm cho nước Mỹ tham gia vào thỏa thuận. Tăng cường các cam kết kinh tế với 11 quốc gia hiện tại trong TPP – nơi có tiềm năng giúp cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, cung cấp hàng triệu việc làm cho người lao động Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ, tăng lương, giải phóng tiềm năng năng lượng của nước Mỹ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng".
Hiện có sự phân chia tương đối rõ nét giữa các đảng viên Cộng hòa và Chính quyền Trump về cách thức xử lý các vấn đề thương mại. Với quan điểm khác biệt, đương kim Tổng thống Mỹ không ủng hộ các mối quan hệ và giao dịch thương mại vốn tồn tại lâu nay giữa nước Mỹ với các đối tác. Để nước Mỹ không còn phải chịu nhiều thiệt thòi trong các quan hệ thương mại, ngay từ khi còn tranh cử, ông đã không giấu diếm mục tiêu sẽ xem xét, đàm phán lại nhiều hợp đồng hoặc kiểm soát chặt hơn các đối tác. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ lại cho rằng, những hành động khắc nghiệt đó sẽ làm tổn hại đến các hoạt động giao thương của nước này, làm mất đi việc làm và tổn thất các nguồn lợi kinh doanh của nước này.
Cùng ngày, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross đưa ra thông báo rằng, những quyết định mới đây của Tổng thống Trump sẽ hạn chế rất nhiều hàng hóa nhập khẩu thép và nhôm bằng mức thuế lớn hoặc hạn ngạch. Bộ trưởng Ross cho hay, mức nhập khẩu thép và nhôm cao sẽ "làm suy yếu an ninh quốc gia" và cần được giảm bớt. Hạn chót để Tổng thống Trump đưa ra phán quyết là vào giữa tháng 4, đây là một trong những vấn đề riêng của TPP, nhưng nhiều quốc gia thành viên của TPP sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi thuế thép của Mỹ.
Trên thực tế, trái với sự phản đối gay gắt của Tổng thống Trump đối với TPP, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa lại chứng kiến sự “mở lòng” của ông tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào cuối tháng 1 vừa qua. Thậm chí, Tổng thống Trump khiến nhiều người ngạc nhiên khi phát biểu của ông đề cập tới việc mở các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia. Ông còn đề cập cụ thể đến TPP và cho biết sẽ cân nhắc quay lại với Hiệp định nếu đạt được thỏa thuận tốt hơn.
Cho đến lúc đó, ông Donald Trump vẫn khá kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng ông chỉ muốn thực hiện các giao dịch song phương bởi nó rõ ràng và dứt điểm. Nhưng khi trả lời phỏng vấn CNBC tại Davos, ông Trump cho rằng, "thoả thuận TPP trước đây rất kinh khủng. Cái cách mà nó được xây dựng cũng rất kinh khủng. Nếu Mỹ có một thỏa thuận tốt hơn, tôi sẽ mở cửa cho TPP", ông Trump nói.
Và hiện tại, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang cố gắng thuyết phục rằng, các ưu thế của TPP sẽ hỗ trợ tốt cho các chương trình tăng trưởng của Tổng thống Trump. Trong bức thư gửi Tổng thống Trump nêu rõ: "Một TPP được cải thiện sẽ tăng cường và duy trì đà tăng trưởng kinh tế mà Mỹ đã đạt được trong năm qua, tạo điều kiện cho việc cắt giảm các quy định và cải cách do chính quyền Mỹ đang thực hiện, cũng như cả mức cắt giảm thuế mà ngài đã ký thành luật".
Trong khi đó, nhiều cảnh báo được giới chuyên gia đưa ra đối với các tiểu bang Mỹ vốn có thế mạnh về nông nghiệp, rằng họ sẽ sớm trở thành những người thua cuộc khi TPP chính thức có hiệu lực. TPP sẽ hạ thấp thuế nông nghiệp vốn đang ở mức cao tại một số quốc gia, chẳng hạn, Nhật Bản sẵn sàng hạ thấp thuế quan đối với thịt bò Mỹ, mở ra một thị trường tiềm năng cho nông dân Mỹ. Nhưng bây giờ khi TPP vẫn tiếp tục mà không có Mỹ, nông dân Australia và New Zealand sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất.
TPP vẫn tiến bước
Trong khi đó, TPP được coi là thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm cắt giảm các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã đạt tới thỏa thuận cuối cùng chỉ còn chờ ngày ký chính thức, dù không có sự ủng hộ của Mỹ. Đây được xem là tín hiệu rõ ràng nhất cho tới thời điểm này, khẳng định sự tồn tại và khả năng hiện thực hóa cao nhất của TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker nói về văn bản TPP sửa đổi, khi phiên bản CPTPP cuối cùng được công bố ngày 21/2. (Nguồn: Reuters) |
11 nước còn lại bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức hoàn tất hiệp định thương mại sửa đổi gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến CPTPP sẽ được ký kết tại Chile vào ngày 8/3 tới. Thỏa thuận có thể có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.
Trong phiên bản TPP cuối cùng được công bố ngày 21/2, hơn 20 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc thay đổi, bao gồm quy tắc về sở hữu trí tuệ do Washington đề xuất. Thỏa thuận này sẽ giúp giảm thuế đối với các nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu (khoảng 10 nghìn tỉ USD). Nếu Mỹ vẫn còn trong TPP, các nền kinh tế này sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu.
Mới đây, nhận định về CPTPP, Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho rằng, "CPTPP đã trở nên quan trọng hơn bởi hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng bị cho là không hiệu quả và các nguyên tắc trong đó đang bị đe dọa".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Parker cho hay, khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP trong vòng vài năm tới là "rất khó xảy ra". Thậm chí nếu Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP thì cũng không có gì đảm bảo tất cả thành viên sẽ dỡ bỏ những hạn chế đối với yêu cầu do nước này đề xuất.