Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky (trái) gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee, ngày 17/6. (Nguồn: AFP) |
Trong hai ngày 17-18/6, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có chuyến thăm Pháp và Đức. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Zelensky đến hai quốc gia được coi là “đầu tàu” của Liên minh châu Âu (EU).
Ưu tiên hàng đầu
Theo AFP, tiếp Tổng thống Zelensky tại Paris, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cho biết có thể tổ chức các cuộc hòa đàm mới đối với cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Ông Macron gợi ý các cuộc gặp này có thể được thực hiện dưới định dạng Bộ Tứ Normandy (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine) nhằm xem xét những tiến bộ đã đạt được. Về phần mình, Tổng thống Ukraine nói rằng ưu tiên của ông là “chấm dứt chiến tranh và lấy lại các vùng lãnh thổ Ukraine bị sáp nhập”. Theo ông, chìa khóa duy nhất cho hòa bình là “áp lực ngoại giao và các biện pháp trừng phạt”.
Tại chặng dừng chân Berlin, ông Zelensky hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tại Điện Bellevue, cũng như gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa bà Merkel và ông Zelensky, dù trước đó hai nhà lãnh đạo từng điện đàm với nhau. Theo Ukrinform, tương tự như chương trình nghị sự tại Pháp, Tổng thống Ukraine Zelensky đã trao đổi với nữ Thủ tướng Đức về tình hình Donbass, tiến trình cải cách chính trị tại Ukraine, cũng như triển khai Thỏa thuận Minsk trong thời gian tới.
Chuyến thăm Pháp và Đức của Zelensky diễn ra sau khi ông gặp các nhà lãnh đạo EU tại Brussels trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách Tổng thống Ukraine (ngày 4-5/6), với mục đích thúc đẩy châu Âu tăng áp lực buộc Nga phải chấm dứt chiến tranh ở miền Đông Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU hoan nghênh quá trình bầu cử ở Ukraine và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ cựu Tổng thống Petro Poroshenko sang ông Vladimir Zelensky. Hiện châu Âu đang theo dõi sát sao những bước đi của ông Zelensky – một người không có nhiều kinh nghiệm chính trị mà nổi lên từ một bộ phim truyền hình ăn khách tại Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cũng để ngỏ khả năng gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin vào “thời điểm thích hợp” để bàn bạc Thỏa thuận Minsk và tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine. Có thể thấy, trong hàng loạt nỗ lực ngoại giao gần đây của tân Tổng thống Ukraine, ông đều tập trung xử lý mối quan hệ EU – Ukraine – Nga. Trong đó, việc tìm kiếm giải pháp để Thỏa thuận Minsk được tôn trọng là ưu tiên hàng đầu của ông Zelensky.
Hai vấn đề cần giải quyết
Hình thành từ tháng 12/2015, Thỏa thuận Minsk được cho là phương án khả thi nhất nhằm tìm kiếm hòa bình giữa Kiev và các vùng ly khai ở miền Đông (Donetsk, Lugansk), giúp Ukraine tránh lún sâu hơn vào một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, những năm qua, Thỏa thuận này không được các bên tuân thủ nghiêm túc, thậm chí nhiều người cho rằng nó đã “chết yểu”.
Các vụ giao tranh vẫn nổ ra ở miền Đông khiến quan hệ giữa chính quyền trung ương Kiev và vùng Donbass tương đối căng thẳng. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong khi khoảng 3,5 triệu người Ukraine đang phải sống dựa hoàn toàn vào hỗ trợ nhân đạo.
Cựu Tổng thống Poroshenko nhiều lần tố cáo Nga “chống lưng” cho các nhóm ly khai ở Donbass nhằm chia rẽ đất nước Ukraine. Thậm chí ông Poroshenko còn yêu cầu phương Tây viện trợ quân sự, gồm vũ khí sát thương và các khoản chiến phí khác, để theo đuổi đến cùng cuộc chiến tại miền Đông.
Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo ở Kiev đã khiến quan hệ giữa EU – Ukraine – Nga chuyển sang thời kỳ mới. Không có quan điểm cứng rắn như người tiền nhiệm Poroshenko, ông Zelensky đã đánh tiếng nhờ Pháp, Đức hỗ trợ giải quyết vấn đề Donbass trong hòa bình. Bản thân các nhà lãnh đạo ở Paris và Berlin cũng hài lòng với phương án này, bởi châu Âu luôn mong muốn Thỏa thuận Minsk được tôn trọng, đồng nghĩa với việc các biện pháp ngừng bắn sẽ được thi hành.
Trong khi đó, ngày 17/6, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Putin vẫn đang chờ xem lập trường rõ ràng của ông Zelensky đối với Thỏa thuận Minsk, đồng thời nói rằng Moscow chỉ lạc quan một cách thận trọng đối với Kiev. Trước đó, Tổng thống Putin không chúc mừng Zelensky khi ông đắc cử Tổng thống Ukraine, bởi “Điện Kremlin sẽ chúc mừng khi Zelensky có những thành công đầu tiên trong giải quyết xung đột ở Đông Ukraine”.
Tổng thống Zelensky hiện nêu cao chủ trương đưa Ukraine hội nhập EU và NATO. Để làm được điều đó, Kiev sẽ phải có những thay đổi nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước, xây dựng nền chính trị và xã hội ổn định, đặc biệt là tháo ngòi nguy cơ nội chiến. Trước mắt, Tổng thống Ukraine phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề: tranh thủ sự ủng hộ của EU và hạ nhiệt căng thẳng với Nga.
Vì thế, sau khi đi thăm châu Âu, giới quan sát cho rằng ông Zelensky sẽ ngồi lại với Moscow để tìm kiếm một giải pháp êm thấm cho vùng Donbass. Qua từng nỗ lực nhằm hồi sinh Thỏa thuận Minsk như vậy, Tổng thống Zelensky đang ghi dấu ấn bằng những bước đi đối ngoại khôn ngoan trong xử lý các mối quan hệ quốc tế vốn rất nhạy cảm với Ukraine.