Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo ngày 25/3. (Nguồn: TTXVN) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thư ký OIF đã tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; dự khai mạc Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, Lễ kỷ niệm 20/3 và 25 năm Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7; thăm làm việc tại Học viện Ngoại giao, cắt băng khánh thành Phòng Pháp ngữ tại Học viện…
Khai phá tiềm năng to lớn
Lần thứ 3 đến Việt Nam, Tổng thư ký Louise Mushikiwabo ấp ủ một kế hoạch vô cùng quan trọng với bản thân và OIF khi dẫn đầu đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại đầu tiên của Pháp ngữ tới Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nhằm triển khai các định hướng và chiến lược phát triển hợp tác mới trong Cộng đồng được chính bà phát động từ khi đảm nhận trọng trách đứng đầu OIF.
Trong gần 1 tuần hoạt động dày đặc, 100 doanh nhân từ các nước Pháp ngữ ở khắp các châu lục trên thế giới đã kết nối, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Tại buổi tiếp Tổng thư ký Louise Mushikiwabo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại lựa chọn Việt Nam lần này. Không gian kinh tế Pháp ngữ có tiềm năng hợp tác rất to lớn, cần được phát huy mạnh mẽ để đóng góp nhiều hơn nữa cho phục hồi và phát triển kinh tế ở các nước thành viên.
Điểm nhấn nổi bật trong chuyến thăm chính là Diễn đàn Kinh tế cấp cao Pháp ngữ, được Bộ Ngoại giao và OIF phối hợp tổ chức thành công, trở thành cây cầu kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp từ hai phía. Đây là dịp để doanh nghiệp hai phía thấu hiểu nhau hơn, từ thông hiểu đi đến những bắt tay hợp tác, những thỏa thuận cùng hướng tới tương lai.
Tiềm năng hợp tác trong không gian kinh tế Pháp ngữ rất to lớn song chưa được phát huy hết, còn nhiều dư địa để phát triển. Do đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của OIF nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế trong không gian Pháp ngữ, kết nối các doanh nghiệp của các nước Pháp ngữ.
Việt Nam đầu tiên - Vì sao?
“Đơn đặt hàng” của đoàn xúc tiến với Việt Nam là gì?
Theo Tổng thư ký Louise Mushikiwabo, OIF đã xác định hợp tác cùng với Việt Nam trên ba lĩnh vực chủ chốt giúp tạo ra những doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đó, lĩnh vực thứ nhất là nông, lâm nghiệp, chế biến thực phẩm; thứ hai là đổi mới sáng tạo năng lượng tái tạo và thứ ba là chuyển đổi số.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng thư ký OIF Louise Mushikiwabo chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Quang Hòa) |
Tại Diễn đàn, bà Louise Mushikiwabo nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ba lĩnh vực ưu tiên này và để làm như vậy, nhiệm vụ của tất cả chúng ta là vượt qua những thách thức, khó khăn để tạo ra những thỏa thuận hợp tác doanh nghiệp các nước với nhau trong khuôn khổ Pháp ngữ, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác của Cộng đồng Pháp ngữ”.
Chia sẻ về lý do OIF lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của đoàn xúc tiến, bà Louise Mushikiwabo khẳng định Việt Nam là quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với Cộng đồng Pháp ngữ, một trong những quốc gia sáng lập của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và cũng là một trong những nước đi đầu về tăng trưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vậy Việt Nam đã và đang sở hữu nguồn lực như thế nào để tự tin trước “đơn đặt hàng” đầy hứa hẹn này?
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu bật, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã cùng các nước đang phát triển, trong đó có nhiều nước Pháp ngữ và các đối tác phát triển triển khai hợp tác Nam-Nam và ba bên hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thể hiện tính khả thi cũng như tiềm năng hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này thời gian tới.
Bên cạnh đó, là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, Việt Nam đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ sang định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ thông qua nhiều chương trình, kế hoạch lớn, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Tổng thư ký Pháp ngữ, tại Diễn đàn Kinh tế, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Lương thực Gabon đã trao đổi Ý định thư hợp tác, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ; đại diện Hiệp hội chè Việt Nam cũng trao đổi Ý định thư về hợp tác với đại diện Liên đoàn những người trồng chè của Rwanda. |
Ngoài ra, Việt Nam cũng nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được Việt Nam đưa ra tại Hội nghị COP 26 vừa qua.
Như vậy, cơ hội được chắt chiu, tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” được củng cố, mọi nguyện vọng được sẻ chia và thấu hiểu, doanh nghiệp hai phía có thể tự tin hợp tác với nhau để sớm hiện thực hóa những mục tiêu hợp tác phục hồi bền vững nền kinh tế, vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Tổng thư ký OIF Louise Mushikiwabo. (Nguồn: TTXVN) |
Quá khứ được trân trọng
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thư ký OIF lần này diễn ra trong một dịp hết sức đặc biệt, có ý nghĩa lớn đối với cả Việt Nam và OIF, đó là kỷ niệm 25 năm Hội nghị cấp cao 7 tại Hà Nội (1997-2022) - hội nghị cấp cao đa phương lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Chắc chắn, sự kiện đa phương đầu tiên rất có ý nghĩa với Việt Nam trong hơn 2 thập niên qua, được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá tại Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 và 25 năm Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 là “minh chứng khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam, theo đó, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội”.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Pháp ngữ chính là một trong những cánh cửa để Việt Nam từng bước đẩy mạnh hội nhập với thế giới trong giai đoạn đầu của công cuộc Đổi mới. Việc đăng cai Hội nghị cấp cao Pháp ngữ 7 mang đến cho Việt Nam nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu, để sau này Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị lớn của các diễn đàn đa phương quan trọng như APEC, ASEM, ASEAN...
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn sự quan tâm của OIF đối với các vấn đề tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, và mong OIF đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ủng hộ duy trì an ninh, tự do hàng hải và nỗ lực của các bên nhằm đưa Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. |
Về phía OIF, Tổng thư ký Louise Mushikiwabo cho rằng đây là dịp Cộng đồng Pháp ngữ cùng nhìn lại quá khứ. Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của OIF và có vai trò tích cực trong thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các thành viên của OIF.
“Việt Nam là một tấm gương lớn về những hỗ trợ dành cho thanh niên, đặc biệt là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ mong muốn góp phần mình vào việc này bằng cách tăng cường kết nối giữa các tác nhân kinh tế Pháp ngữ”, bà Louise Mushikiwabo chia sẻ.
Tương lai được… viết tiếp
Nhìn về những định hướng tương lai, tại buổi hội đàm với Tổng thư ký Louise Mushikiwabo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam chủ trương tiếp tục chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của OIF, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của OIF.
Đồng thời, Bộ trưởng nêu một số đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, đặc biệt là với các nước châu Phi; giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp.
Bộ trưởng đề nghị OIF hỗ trợ đào tạo chuyên môn và tiếng Pháp cho lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đồng thời ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi (AU).
Về phần mình, bà Louise Mushikiwabo nhấn mạnh đoàn xúc tiến kinh tế-thương mại lần này chỉ là bước đầu trong quá trình kết nối các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Pháp ngữ.
Do vậy, Tổng thư ký OIF đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch cụ thể để phát huy kết quả đạt được trong chuyến công tác lần này của đoàn, đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ lên mức cao hơn trước.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất của phía Việt Nam, Tổng thư ký khẳng định cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, hỗ trợ Việt Nam trong chuẩn bị tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi, vì lợi ích của tất cả các bên.