📞

TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức cho Việt Kiều thăm địa đạo Củ Chi

08:49 | 30/08/2013
Nhân dịp 68 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 29/8/2013, Ủy Ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UB về NVNONN) TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cho gần 40 đại biểu là kiều bào từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Pháp, Bỉ, Đan Mạch, Canađa…. đi thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Các đại biểu đã được ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc trong những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 và sự hình thành Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Theo ông Trần Hòa Phương, Phó chủ nhiệm UB về NVNONN TP cho biết đã thành thông lệ gần 20 năm nay, nhân ngày Quốc khánh của dân tộc, kiều bào về thăm đất nước cũng như về đầu tư kinh doanh luôn được Ủy Ban tổ chức vui tết độc lập tại quê nhà. “Năm nay, chúng tôi tổ chức cho bà con thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, nơi vừa là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn- Gia Định, của Huyện ủy và nhân dân Củ Chi cũng vừa là thế trận đánh giặc vô cùng biến hóa, góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc, thống nhất đất nước.” ông Phương nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Công, tốt nghiệp kỹ sư cầu đường ở Paris – đại diện Nhóm Việt kiều đã góp tiền xây dựng hàng trăm cây cầu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở quê nhà. Lau mồ hôi lấm tấm trên trán khi vừa chui lên từ đường hầm địa đạo, ông nhận xét : Đây là công trình kiến trúc độc đáo với hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, kéo dài nhiều cây số. Có cả nơi ăn, ở, hội họp và chiến đấu, thể hiện ý chí kiên cường, thông minh của người dân Củ Chi. “ Nếu lính Mỹ mà được chui xuống địa đạo, thấy những hầm chông, bẫy mìn… như tôi hôm nay, chắc không dám bén mảng vào đây” ông Công nhìn nhận.

Sau khi dâng hương tại Đền liệt sỹ Bến Dược, Bà Trần Tuyết Hoa, kiều bào từ Canađa xúc động nói: “Trước năm 1975, là giảng viên Đại học Vạn Hạnh, tôi đã nhiều lần xuống đường cùng sinh viên biểu tình chống chiến tranh. Bạn bè tôi, rất nhiều người bỏ giảng đường thành phố vào chiến khu theo cách mạng, phần lớn họ đã không về. Hôm nay, nhìn những tấm bia trong điện chính có khắc tên gần 50 ngàn liệt sỹ, tôi bồi hồi nhớ về họ. Cái giá của hòa bình mà chúng ta đã giành được là quá lớn, mong sao đất nước chúng ta luôn có hòa bình và ổn định.”

Các đại biểu đã cùng nhau thưởng thức khoai mỳ luộc, là món ăn chính của các chiến sỹ và người dân Củ Chi trong những năm tháng chiến đấu ác liệt và cùng nhau ôn lại một giai đoạn cụ thể của quá trình lịch sử hơn 100 năm chống ngọai xâm của dân tộc .

Thanh Tùng