Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; các vị nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; các nguyên Thủ tướng Chính phủ: Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ họp Quốc hội khóa VI (từ ngày 24/6-3/7/1976) đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó có việc đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định không chỉ có ý nghĩa tôn vinh, ghi nhớ công lao của Bác Hồ mà còn đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào miền Nam nói chung, nhân dân Sài Gòn-Gia Định nói riêng.
Đồng thời, đánh đấu một cột mốc quan trong trong quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với tên Bác.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành phố Sài Gòn-Gia Định vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) |
Qua 40 năm vinh dự được mang tên Bác - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cùng với truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc vẻ vang, hào hùng của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực, là nơi khởi xướng cho nhiều chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; đã và đang nỗ lực xây dựng thành phố trở thành vị trí trung tâm của cả nước và khu vực. Trong quá trình phát triển không ngừng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn ghi nhớ trong sâu thẳm những tư tưởng, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.
Thành phố đang “cùng cả nước, vì cả nước,” ra sức phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để ngày càng xứng đáng hơn nữa là thành phố mang tên Bác, thành phố Anh hùng.
Trong diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nêu rõ, 41 năm thành phố được giải phóng, 40 năm thành phố vinh dự, chính thức mang tên Bác, từ một thành phố với quy mô kinh tế ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 957 ngàn tỷ đồng; một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân, tạo lại màu xanh trên các dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, Tàu Hũ-Bến Nghé...
Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố đến hết năm 2015 đạt 5.538 USD/năm, tăng trên 73% so với năm 2010. Thành phố đã kéo giảm chênh lệch mức sống các nhóm dân cư từ 10 lần vào năm 1992 xuống còn 6,6 lần năm 2014, giảm chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn từ 1,8 lần năm 2008 xuống còn 1,2 lần năm 2014. Đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ người dân có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm chỉ còn 3,2%.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng nêu mục tiêu Đảng bộ, chính quyền thành phố nhận diện sâu sắc với tinh thần tự phê bình rất cao những hạn chế, khuyết điểm thậm chí trở thành “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển của thành phố.
Vì vậy, với tinh thần “đi trước và về đích trước,” thành phố phải chủ động bứt phá, đồng thời chủ động, kiên trì đề xuất những chủ trương, cơ chế phù hợp cho sự phát triển của thành phố, liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương, tạo ra động lực, nguồn lực, cũng như cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho cả khu vực rộng lớn phía Nam và cả nước...
Trước mắt, phấn đấu đến năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh phải “trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á."
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, giữa cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt, trong đó có Sài Gòn-Gia Định, nơi từng lưu dấu chân và tiễn Người đi tìm đường cứu nước, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm gian khổ đi tìm chân lý giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ lầm than.
Sài Gòn-Gia Định luôn trung dũng, kiên cường, đã vùng lên mạnh mẽ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, trong Cách mạng Tháng Tám; thay mặt cả nước nổ phát súng đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, cùng “miền Nam thành đồng” đứng vững nơi đầu sóng ngọn gió, kiên trung, bất khuất, xứng danh “Đất thép thành đồng.”
Sài Gòn-Gia Định cũng là điểm quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đầy gian lao, anh dũng, kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, Đảng bộ và nhân dân thành phố Sài Gòn-Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nên nhiều chiến công hiển hách; luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người. Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất đã chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định những thành tựu Thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong 40 năm qua là to lớn và rất quan trọng, tạo tiền đề để thành phố tiếp tục phát triển trong những năm tới, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Bốn mươi năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu bền bỉ, vượt lên khó khăn, thách thức, huy động tốt mọi nguồn lực với tư duy mới, cách làm mới phù hợp với thực tiễn của thành phố, của đất nước, đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Với vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong nhiều thập niên, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết các vấn đề xã hội. Công tác quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được cải thiện, phục vụ tốt hơn cho phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện dân sinh và từng bước tạo nên diện mạo mới khang trang, hiện đại.”
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá, trong quá trình phát triển, thành phố luôn chú trọng tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc y tế có chuyển biến tích cực; khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ; phong trào quần chúng ở các giới, các tổ chức chính trị-xã hội luôn sôi nổi, thiết thực cùng với Đảng bộ, chính quyền chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với nước, người nghèo; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực...
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, đoàn kết, không ngừng xây dựng Đảng bộ thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Thành phố phải đi đầu trong quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo “phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Cùng với đó, thành phố phải chủ động, kiên trì thực hiện các giải pháp đột phá để đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố với cơ sở hạ tầng hiện đại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo phát triển trình độ cao; chính trị-xã hội ổn định; nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế để phát triển.
Chủ tịch nước cho rằng, thành phố cũng cần nỗ lực phấn đấu để thành tựu đạt được trong thời gian tới không chỉ là tỷ lệ tăng trưởng cao hơn cả nựớc, tỷ lệ đóng góp ngân sách ngày càng cao, mà quan trọng hơn chính là kinh nghiệm, mô hình, giải pháp mới, mang tính đột phá trong vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, góp phần tích cực để Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn dõi theo từng bước đi lên của Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng những kết quả, thành tích xuất sắc, chia sẻ với những trăn trở, lo toan và mong muốn thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của vùng và của cả nước.
Cùng với sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục hỗ trợ thiết thực cho thành phố về mọi mặt để có thêm động lực phát triển, lan tỏa động lực cho vùng và cả nước phát triển và mãi mãi xứng đáng là thành phố vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Thành phố Anh hùng.