Do Liên minh Vận động Chính sách dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD), Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), Mạng lưới Vận động Cấm sử dụng Amiăng Việt Nam (Vn-BAN), Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Hội Y tế Công cộng Việt Nam (VPHA) phối hợp tổ chức, Hội thảo nhằm đánh giá những thách thức của TPP mà Việt Nam sẽ và đang phải đối mặt, đặc biệt là vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm cung cấp một cái nhìn khoa học và đa chiều về những thuận lợi và bất lợi của Hiệp định TPP đối với sức khỏe cộng đồng, tập trung phân tích 4 ngành công nghiệp có xung đột lợi ích với y tế công cộng là amiăng, nhiệt điện than, thuốc lá và rượu bia. Tại đây, các chuyên gia cùng bàn luận kế hoạch hành động tiếp theo hợp đồng cộng lực các liên minh về vận động chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ đe dọa trực tiếp từ các ngành công nghiệp này.
BS.TS. Trần Tuấn phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: T.N) |
Phát biểu tại hội thảo, BS.TS.Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, TPP là bản chất là một hiệp định tự do thương mại với mục tiêu loại bỏ dần các rào cản thuế quan giữa các giữa các quốc gia ký kết. Tuy nhiên, từ đây sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho lợi ích sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh cho các nước có nền kinh tế thấp, thiếu chính sách bảo vệ tác động xấu từ bên ngoài của môi trường tự do thương mại khu vực và toàn cầu.
Nhấn mạnh về việc đẩy mạnh sức khỏe cộng đồng, Tiến sĩ Mary Assunta, cố vấn Chính sách cao cấp của Liên minh kiểm soát thuốc lá khu vực Đông Nam Á khuyến cáo quốc gia Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei phải ký kết thỏa thuận bên lề cho phép loại bỏ biện pháp kiểm soát thuốc lá ra khỏi cơ chế ISDS. Bà cho rằng, cần phải thắt chặt những quy định pháp lý về kiểm soát thuốc lá càng sớm càng tốt bằng các chính sách và thỏa thuận ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, tại Chương 29.5 của TPP khẳng định một quốc giá có thể lựa chọn khước từ các lợi ích của cơ chế ISDS đối với đơn kiện liên quan đến biện pháp kiểm soát thuốc lá. Như vậy, việc kiểm soát thuốc lá trong Hiệp định TPP là việc tùy chọn, các quốc gia phải thỏa thuận nếu muốn thi hành nhiệm vụ tùy chọn này.
Bên cạnh đó, đồ uống có cồn cũng là một lĩnh vực rất cần được quan tâm. Tương tự như với trường hợp thuốc lá, TPP có thể ảnh hưởng tới khả năng thực thi các chính sách kiểm soát đồ uống có cồn một cách hiệu quả như tăng thuế, hạn chế cấp phép kinh doanh, hạn chế quảng cáo, quảng bá, dán nhãn cảnh báo tác hại…
Theo số liệu đưa ra tại Hội thảo, hàng năm có gần 200 nghìn người mắc bệnh ung thư mới phát hiện, là hậu quả liên quan trực tiếp từ việc tác động của ô nhiễm công nghiệp và tiêu thụ rượu bia, thuốc lá.
Các chuyên gia tại Hội thảo cũng khẳng định, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, việc cần hành động ngay bây giờ như lập ra danh sách các doanh nghiệp nhân bản thực hiện đúng các công ước quốc tế chỉ ra các doanh nghiệp phi nhân bản liên quan đến sản xuất và xử lý các hóa chất độc hại đến sức khỏe con người và môi sinh, đảm bảo TPP không mâu thuẫn với các công ước quốc tế Việt Nam đã ký kết…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia về những tác hại của amiang đối với sức khỏe cộng đồng và con người cùng những kiến nghị về tuân thủ các điều khoản liên quan tới amiang của các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia là bộ 3 công ước Basel, Rotterdam và Stockholm.
Về ngành nhiệt điện than, theo ông Đỗ Văn Hạ - Chuyên gia về Năng lượng sạch (Clean Energy) nói rằng: “Những hậu quả về ô nhiễm không khí, đất, nước từ khói thải, chất thải của Nhiệt điện than là rất lớn và vô cùng nguy hại. TPP phải đồng nghĩa với việc phát triển sạch và bền vững”.