Đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào tới thăm Học viên Hải quân. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tại đây, 120 thanh niên, sinh viên kiều bào đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến thăm Học viện Hải quân tại tỉnh Khánh Hoà.
Học viện Hải quân là học viện quân sự trực thuộc Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Thành lập từ năm 1955, nơi đây đã đào tạo gần chục ngàn sĩ quan hải quân các cấp, đào tạo ngắn hạn hàng ngàn cán bộ, đào tạo hàng trăm sĩ quan cho hải quân nước ngoài, hàng chục thạc sĩ khoa học quân sự hải quân, nhiều người đã trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội.
Tại buổi gặp, Chủ nhiệm chính trị Học viện Hải quân Phạm Đức Hùng chào mừng đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã tới thăm Học viện, thông tin tới đoàn về tình hình biển, đảo Việt Nam thời gian gần đây.
Đồng chí Phạm Đức Hùng, Chủ nhiệm chính trị của Học viện Hải quân, nhiệt liệt chào mừng đoàn đã đến thăm. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Đồng chí Phạm Đức Hùng khẳng định, đây là một dịp rất có ý nghĩa để Học viện Hải quân giới thiệu với các bạn trẻ kiều bào những chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước, quân đội và Quân chủng Hải quân trong nhiệm vụ đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Đồng chí Phạm Đức Hùng tin rằng, các thanh niên, sinh viên kiều bào sẽ có thêm những thông tin bổ ích, đầy đủ về chủ quyền biển đảo cũng như giá trị của biển đảo trong sự nghiệp phát triển kinh tế, gắn với quốc phòng an ninh của Tổ quốc trên hướng biển.
Thông qua các "sứ giả" kiều bào, những thông tin, tình yêu biển đảo, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển sẽ được lan tỏa rộng rãi, đóng góp vào sự nghiệp hòa bình chung của các quốc gia trên toàn thế giới.
Thanh niên, sinh viên kiều bào ngắm nhìn những bức ảnh, hiện vật tại Học viện Hải quân. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chia sẻ với Thế giới & Việt Nam, em Trần Đức Dũng, kiều bào Cộng hòa Czech cảm thấy may mắn khi được đến thăm Học viện Hải quân vì được cập nhật nhiều kiến thức bổ ích về chủ quyền biển đảo quê hương.
Thông qua các câu chuyện được kể, Trần Đức Dũng cảm thấy tự hào, khâm phục về ý chí chiến đấu, bất khuất, tự cường của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam. "Các chiến sĩ là những tấm gương sáng để em và các bạn học tập và rèn luyện về ý thức kỷ luật cũng như tinh thần tập luyện dù gian khổ nhưng vô cùng tự hào", Đức Dũng nói.
Nhân buổi gặp mặt đầy ý nghĩa, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã gửi tặng số tiền 10 triệu đồng cho Đoàn Thanh niên Học viện Hải quân.
Thanh niên, sinh viên kiều bào dành tặng số tiền 10 triệu đồng cho Đoàn Thanh niên Học viện Hải quân. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong hành trình tiếp theo trên mảnh đất Khánh Hòa, ngày 25/7, đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Nằm trên ngọn đồi cát, cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" và "Vòng tròn bất tử" có hình tượng các chiến sĩ, thể hiện tinh thần hiên ngang, bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Ngày 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma, những người lính Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc cắm trên đảo đá, khẳng định chủ quyền biển đảo. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã được khắc họa bằng cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” kiêu hãnh ở Khu tưởng niệm.
Thanh niên, sinh viên kiều bào tham dự Trại hè đã đến thăm và dâng hương khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tại đây, đoàn đã dâng hoa, dâng hương tại tượng đài, khu mộ gió của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ; thăm khu trưng bày ngầm – nơi lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.
Được nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng, nhiều kiều bào trẻ đã không giấu nổi xúc động khi nghe kể lại sự anh dũng hi sinh của 64 chiến sĩ cũng như những câu chuyện cảm động về nỗi đau, niềm thương nhớ các anh của những người ở lại.
Các kiều bào trẻ đứng thành vòng tròn xung quanh 64 bông hoa muống biển tượng trưng cho 64 cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hoạt động là minh chứng rõ nét của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây là cơ hội quý báu để bồi dưỡng kiến thức về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ kiều bào.
Em Trần Gia Bảo, một kiều bào đến từ Singapore nghẹn ngào xúc động: "Em rất khâm phục về tinh thần bất khuất của những người chiến sĩ anh hùng bảo vệ đất nước. Đến đây em học thêm được nhiều về lịch sử của đất nước, vì khi ở Singapore em vẫn luôn muốn có cơ hội để học về lịch sử Việt Nam.
Thanh niên, sinh viên kiều bào lắng nghe giới thiệu về những câu chuyện, bức ảnh liên quan đến các chiến sĩ Gạc Ma năm xưa. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Chuyến tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là cơ hội tuyệt vời để những kiều bào trẻ chúng em bày tỏ lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã hy sinh cả tính mạng để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ", Gia Bảo nói.
Thanh niên, sinh viên kiều bào đến dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Bên cạnh những hoạt động tham quan, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo tại tỉnh Khánh Hoà, đoàn thanh niên, sinh viên kiều bào đã đến dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người được tôn là Thánh tổ của Hải quân Việt Nam, nhằm tri ân sự đóng góp của ngài trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, yên bờ cõi của dân tộc.
Đại diện Ban tổ chức Trại hè Việt Nam 2024 dâng hương tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong ngày 25/7, đoàn tiếp tục di chuyến tới Ninh Thuận. Tại đây, đoàn thăm Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai ở TP. Phan Rang – Tháp Chàm và trao quà từ thiện tại làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân.