Các lãnh đạo, cán bộ Ủy ban Nhà nước về NVNONN tham dự tọa đàm trực tuyến Trại hè Việt Nam. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Chiều 29/8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước (NVNONN) đã chủ trì tổ chức chương trình tọa đàm “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với Trại hè Việt Nam”.
Được tổ chức hình thức trực tuyến, tọa đàm mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thế hệ kiều bào trẻ, ôn lại hành trình 16 năm của Trại hè Việt Nam và giao lưu, kết nối thanh niên kiều bào với thanh niên trong nước.
Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN; Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN; Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN; ông Nguyễn Hải Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đoàn kết Tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bà Phạm Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) và đặc biệt là sự tham dự của hơn 200 đại biểu thanh niên Việt Nam đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ tưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, hoạt động Trại hè Việt Nam đã tổ chức được 16 năm liên tục với sự góp mặt của gần 2.000 bạn trẻ kiều bào, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước đối với thế hệ kiều bào trẻ.
Đây là cơ hội để các thế hệ kiều bào trẻ về với cội nguồn, để tri ân và trải nghiệm, cống hiến cho Tổ quốc.
Cộng đồng NVNONN hiện nay có khoảng 5,3 triệu, trong đó có khoảng 1,8 triệu thanh niên, sinh viên đang sinh sống, học tập, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục hoạt động Trại hè Việt Nam khi điều kiện cho phép và luôn là hậu thuẫn tích cực cho thế hệ kiều bào trẻ thực hiện sứ mệnh nói trên.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu: “Thế hệ trẻ kiều bào ngày càng gia tăng về số lượng và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng NVNONN. Tôi mong rằng, thế hệ kiều bào trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục đảm trách sứ mệnh làm hạt nhân và nguồn lực chủ chốt cho sự tồn tại, phát triển thịnh vượng và ổn định của cộng đồng bà con NVNONN. Để đảm trách thành công sứ mệnh này, tôi cho rằng thế hệ kiều bào trẻ cần chủ động hơn nữa trong tăng cường hiểu biết về đất nước, kết nối với thế hệ trẻ ở trong nước, cùng nhau có hoạt động thiết thực, cụ thể cho cộng đồng và quê hương, đất nước”. |
Tọa đàm “Thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài với Trại hè Việt Nam” cũng là hoạt động mở đầu triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh “đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào phát triển ở nước sở tại, trở thành cầu nối và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước”.
Đại biểu thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các đầu cầu tham dự tọa đàm trực tuyến. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Ấn tượng với quê hương
Tại phiên thảo luận đầu tiên về chủ đề “Ấn tượng với quê hương”, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình đã chia sẻ về sự ra đời của ý tưởng tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam, đó là nhằm đưa thanh niên, sinh viên kiều bào về với cội nguồn sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 về công tác đối với NVNONN.
Tại đây, ông Bình đã chia sẻ những ấn tượng về Trại hè Việt Nam trong năm đầu tiên tổ chức với nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi đưa các đại biểu trẻ về Đền Hùng (Phú Thọ) để hiểu về nguồn gốc “con Lạc, cháu Hồng”, đặc biệt là cuộc gặp và trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Cùng chia sẻ những ấn tượng về hành trình trên quê hương, các đại biểu từ các điểm cầu Slovakia, Nga, Ba Lan, Lào, Hungary và Czech đã nhớ lại từng trải nghiệm của mình trong các chương trình Trại hè Việt Nam và những ấn tượng khó quên trên quê hương Việt Nam.
Anh Nguyễn Đức Thành (kiều bào Ai Cập) nhớ lại những kỷ niệm ngày đầu tham gia Trại hè mà không thể nói được tiếng Việt. Sau cả tháng đồng hành cùng những người bạn của Trại hè Việt Nam, anh Thành tìm thấy động lực học tiếng Việt và hiện tại đã có thể sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình.
Có thể nói, ấn tượng về quê hương từ những hành trình Trại hè Việt Nam đã góp phần giúp anh Đoàn Ngọc Hưng (kiều bào tại Ukraine) và chị Nguyễn Hoàng Anh (kiều bào tại ở Nga) quyết tâm về nước lập nghiệp.
Chính ý thức nguồn cội và tình yêu quê hương đã giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu khi trở về và hài lòng với cuộc sống hiện tại ở Việt Nam.
Phiên thảo luận đầu tiên tại Tọa đàm. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Chung tay vì đất nước
Ở phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Chung tay vì quê hương, đất nước”, các đại biểu đã nêu bật ý nghĩa của Trại hè Việt Nam trong việc kết nối, giao lưu, thúc đẩy hợp tác để phát huy vai trò của thế hệ kiều bào trẻ, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại phiên thảo luận này, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN chia sẻ về hiệu ứng kết nối, sự lan tỏa của Trại hè Việt Nam và vai trò là cầu nối thế hệ trẻ kiều bào hướng về nguồn cội, hành động vì quê hương, đất nước.
Theo ông Lương Thanh Nghị, mỗi thanh niên kiều bào sau hành trình Trại hè đều trở thành những Đại sứ văn hóa, góp phần lan tỏa “chất” văn hóa, trí tuệ và phẩm chất con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại đây, bà Phạm Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cũng đánh giá cao vai trò của thanh thiếu niên kiều bào ở nước sở tại, đặc biệt là vai trò gìn giữ và quảng bá văn hóa Việt Nam ở quốc tế.
Để tiếp tục phát huy tri thức kiều bào trẻ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, ông Nguyễn Hải Minh - Trưởng Ban Đoàn kết Tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cũng cho biết, năm nay Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu dự kiến sẽ được tổ chức tại Bình Định với chủ đề về chuyển đổi số.
Taị sự kiện, anh Hoàng Kim Quân (kiều bào tại Ukraine) cho biết lần tham dự Trại hè Việt Nam năm 2012 đã thúc đẩy anh tìm hiểu nhiều hơn về cội nguồn, văn hóa, lịch sử dân tộc, từ đó đưa ra quyết định trở về quê hương lập nghiệp với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.
Nhiều đại biểu kiều bào từ Slovakia, Phần Lan, Czech, Lào đã chia sẻ về giá trị lan tỏa từ tình cảm trở thành hành động phục vụ quê hương sau những lần tham dự Trại hè Việt Nam; đồng thời đóng góp một số ý kiến để Trại hè thêm sinh động, thu hút nhiều thanh niên, sinh viên kiều bào tham gia.
Phiên thảo luận thứ hai tại Tọa đàm. (Ảnh: Cảnh Tiêu) |
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, thanh niên kiều bào từ nhiều địa bàn đã chia sẻ, bày tỏ sẵn sàng đồng lòng và có những hành động thiết thực để hỗ trợ đồng bào trong nước phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho biết bên cạnh chương trình Trại hè Việt Nam, Ủy ban cũng xây dựng những ý tưởng về nguồn dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào, giao lưu doanh nhân và trí thức trẻ kiều bào với doanh nhân và trí thức trong nước.
Trên cơ sở định hướng những giải pháp, nhiệm vụ nêu trong Kết luận 12-KL/TW về công tác đối với NVNONN, tiếp thu các kiến nghị của các bạn kiều bào trẻ, các hội đoàn thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở các nước, hoạt động Trại hè Việt Nam sẽ tiếp tục được Ủy ban triển khai với những hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn trong thời gian tới.