Nhỏ Bình thường Lớn

Tranh cãi đề thi Văn 'Nếu phải ở trong nước sôi': Đề thi theo hướng mở có thành con dao hai lưỡi?

Đề thi Văn 'Nếu phải ở trong nước sôi...' gây ra hai luồng quan điểm trái chiều, người khen hay, người lại cho rằng phản cảm. Thậm chí có nhận định, việc ra đề thi theo hướng mở nếu không cẩn thận sẽ thành 'con dao hai lưỡi', 'gậy ông đập lưng ông'...
Tranh cãi đề thi Văn: Đề thi theo hướng mở có thành 'con dao hai lưỡi'?
Đề thi Văn theo hướng mở liệu có thành "gậy ông đập lưng ông"? (Nguồn: Thanhnien)

Mỗi một vấn đề, nếu đặt ở các lăng kính khác nhau, nó sẽ được đánh giá với các mức độ khác nhau. Trong đề văn này, rõ ràng tác giả không đặt "em" là một cơ thể người mà là "củ khoai tây" và "quả trứng". Vì thế, chắc chắn sẽ không có yếu tố rùng rợn ở đây.

Hơn nữa, rõ ràng tác giả đề thi cũng không đánh giá "em" khoai tây và "em" trứng là thức ăn mà đánh giá hai em này như hai đối tượng cùng vượt qua một nghịch cảnh.

Trong tiếng Việt, nghĩa đen và nghĩa bóng được phân chia rõ ràng. Nếu câu hỏi thiên về nghĩa bóng, người đặt câu hỏi đã tự mặc định cho mọi người chỉ đánh giá và suy nghĩ theo nghĩa bóng mà bỏ qua nghĩa đen.

Ví dụ, "con hơn cha là nhà có phúc" rõ ràng là một câu nói hoàn toàn theo nghĩa bóng. Không ai hiểu theo nghĩa đen, chỉ có nhà có con hơn cha thì mới có nóc nhà, còn nhà khác thì không. Vì thế, đánh giá đề thi này phải đánh giá theo nghĩa bóng.

Đây là một đề thi chưa thực sự mở, mà chỉ đặc biệt theo cách đặt vấn đề. Một đề thi mở thực sự sẽ là "... Nếu ở trong nước sôi, em sẽ làm gì?" mà không quy định rõ "em" là ai.

Một đề thi như đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã gây sốc và gặp phải vô số phản ứng thì với đề thi mà tôi đang giả định, chắc chắn sẽ bị đánh giá là phản giáo dục. Tuy nhiên, những đề thi đó lại được đưa ra ở rất nhiều trường học khác trên thế giới, những nơi coi trọng suy nghĩ khác biệt của học sinh.

Quay trở lại đề thi này, đây là một dạng đề thi thông thường, có ý gợi mở, tư vấn cho các em hãy vững vàng vượt qua nghịch cảnh. Là một dạng đề thi rất hợp lý và không có nét phản cảm như một số ý kiến đã nêu.

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, không nên lạm dụng, chạy đua ra đề thi theo hướng mở vì rất dễ thành “con dao hai lưỡi", có thể tạo cho trẻ cơ hội nổi loạn. Tôi nghĩ điều này chưa hẳn chính xác. Ra đề mới chỉ là một phần hai công việc đánh giá, chấm thi mới là khâu quyết định có tạo điều kiện cho những ý tưởng nổi loạn phát triển hay không.

Suy nghĩ áp đặt đã tồn tại trong việc dạy và học môn Văn khá lâu. Đây là thực trạng nhức nhối khiến các phụ huynh học sinh rất bức xúc. Giải quyết vấn đề này là việc bắt buộc phải làm nhưng không dễ dàng do quan niệm áp đặt vẫn tồn tại khá sâu trong suy nghĩ của khá nhiều giáo viên và phụ huynh.

Hiện nay, nhiều thầy cô đã cập nhật xu hướng đưa các hiện tượng, sự kiện thời sự vào trong bài giảng cũng như đề thi. Điều này tốt xấu ra sao? Học sinh học tập để tiếp cận cuộc sống. Việc đưa các đề thi về với cuộc sống là nhiệm vụ của giáo viên. Đây rõ ràng là việc phải làm chứ không bàn đến tốt xấu ở đây.

Tranh cãi đề thi Văn: Đề thi theo hướng mở có thành 'con dao hai lưỡi'?
Đề thi Văn của Sở GD&ĐT Khánh Hòa gây tranh cãi. (Nguồn: VnExpress)

Thực tế, việc ra những đề thi mở sẽ giúp học trò tự chủ trong suy nghĩ, nêu quan điểm của mình trước một vấn đề, sự việc hay hiện tượng trong đời sống xã hội. Từ đó, sẽ hạn chế việc học tủ, học gạo, luyện khả năng biện luận cho học sinh.

Với các đề thi quen thuộc trong nhà trường, ít nhiều giáo viên đã có sự chuẩn bị trước cho học sinh trong các tiết giảng văn. Họ sẽ phân tích và tìm ra cách giải quyết đề thi theo lối được điểm cao nhất.

Tuy nhiên, với các đề thi mở, có cách tiếp cận mới lạ, học sinh sẽ bị bất ngờ. Khi đó, các em sẽ bộc lộ nhiều cá tính và cách quan sát riêng biệt của mình trong các câu văn. Cũng từ đó, giáo viên có thể tìm hiểu kỹ hơn những ẩn giấu bí mật trong suy nghĩ của học sinh để có cách tiếp cận và giáo dục tốt hơn.

Khi giáo dục trẻ, nếu ra sức áp đặt, chúng ta sẽ chỉ nhận được những sản phẩm giỏi che giấu cảm xúc và suy nghĩ chứ không làm thay đổi quan niệm của các em. Đề thi mở sẽ tạo điều kiện cho các em bộc lộ quan điểm, đồng thời lời nhận xét khi chấm bài sẽ là những lời khuyên, định hướng để các em điều chỉnh nếu có các quan niệm chưa chính xác.

Như vậy, đề thi là một công cụ đánh giá học sinh. Đề thi sẽ phản ánh hình ảnh xã hội, nhận thức của người thầy trong mọi mặt của cuộc sống và sự hiểu biết của họ với tâm sinh lý học sinh. Quy chuẩn văn chương của đề thi sẽ đảm bảo cho mọi chuẩn mực của nhà trường để góp phần đào tạo học sinh.

Nếu thực sự tôn trọng học sinh, độ mở của đề sẽ không giới hạn. Điều cần giới hạn chính là những câu từ, cách hành văn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật và văn hóa nước nhà.

Câu hỏi được đặt ra, đề thi thế này có được xem là bài học về sự thích nghi với cuộc sống? Nếu nói về độ thích nghi, “cứng như trứng” hay “mềm như khoai” sau khi luộc không thể hiện được. Thích nghi để tốt lên, biến mọi tiêu cực thành lợi thế tích cực chính là cách tốt nhất để phát triển.

Nếu tôi là thí sinh trong kỳ thi này, tôi sẽ không lựa chọn mình là khoai hay trứng mà sẽ lựa chọn mình là một tảng băng để biến nước sôi thành nước ở nhiệt độ thường. Như thế mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.

Đề thi Văn 'nếu phải ở trong nước sôi...': Đã đến lúc cần tiếp cận cách làm mới
Tranh luận 'nếu em ở trong nước sôi’: Đề thi mở không có nghĩa là 'nhắm mắt' chạy theo vấn đề thời sự
Đề thi Văn ‘nếu em phải ở trong nước sôi...’ nổi sóng: Sự liên tưởng tốt hay phản cảm và 'sạn'?
Chọn nghề: Hãy là ‘hành khách’ vui vẻ vì luôn có một ‘nhà ga’ chờ đón
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Nếu coi bằng cấp là 'giấy thông hành' duy nhất sẽ có nguy cơ cho sự giả dối
TIN LIÊN QUAN

Nguyệt Anh (ghi)