Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phản đối đề xuất bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn". |
Trong tham luận phát biểu tại hội thảo mới đây, GS Trần Ngọc Thêm (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo...
Chừng nào còn đề cao chữ 'lễ' để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phản đối quan điểm này, đồng thời ông có góc nhìn khác khi cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, cần thay đổi nội hàm chứ không phải thay đổi các khẩu hiệu.
Đức là cái gốc cơ bản
Thưa ông, đề nghị chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" do GS Trần Ngọc Thêm vừa đưa ra gần đây gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ông có đồng tình với đề xuất này?
Tôi không đồng ý quan điểm như vậy bởi với mỗi một con người, "đức" là cái gốc cơ bản. Ở đây có thể hiểu "lễ" tức là đức hạnh. Trong cuộc sống hay ở gia đình, cơ quan, nhà trường, đức rất quan trọng.
Người không có đức nghĩa là không có mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Vì vậy, trong triết lý giáo dục của nhiều gia đình, việc dạy con trước hết phải dạy hiếu nghĩa, đức hạnh với ông bà, cha mẹ. Cho dù người đó giỏi bao nhiêu chăng nữa nhưng không có đạo đức thì không chấp nhận được.
Tôi cho rằng ở bất kỳ thời đại nào, câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đều hoàn toàn đúng nên không nhất thiết phải bỏ.
Nghĩa là theo ông, "lễ" ở đây hoàn toàn không phải là sự ràng buộc hay lễ nghi phong kiến như nhiều người từng nghĩ?
Có thể ngày xưa cha ông ta có quan niệm về câu này như thế. Từ "lễ" cũng có thể hiểu là trên nói dưới răm rắp nghe theo nhưng chỉ hiểu đơn thuần như vậy thì chưa đúng.
Cá nhân tôi cho rằng, nội hàm của từ này thể hiện cái đức hạnh của con người, không nên quy về nghi thức lễ giáo, phong kiến. Vì thế cho dù thời nào chăng nữa, cái đức vẫn là cốt lõi, quan trọng nhất.
Đổi mới giáo dục ở phương pháp, không phải khẩu hiệu
Theo lý giải của GS Trần Ngọc Thêm, "Tiên học lễ, hậu học văn" thể hiện sự ràng buộc, chưa thúc đẩy tư duy phản biện. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Tôi nghĩ quan niệm này chưa đúng. Đạo đức hay sự tôn kính, lễ nghĩa trong cuộc sống giữa người với người, giữa con cái đối với cha mẹ, giữa người nhỏ tuổi với người lớn… và sự năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân không liên quan đến nhau.
Nếu áp suy nghĩ "lễ" là lễ nghi, lễ giáo, là trên nói dưới phải răm rắp nghe theo, đấy là sự ràng buộc nhưng nếu hiểu nội hàm của nó là đức hạnh thì hoàn toàn khác.
Do đó, quan điểm của tôi là, con người có hai điểm, một là đạo đức, hai là năng lực. Cả hai yếu tố này đều cần thiết, tồn tại song song và nếu người đó có tài nhưng vừa có đức thì hoàn hảo.
Nhiều người cho rằng, muốn khuyến khích học sinh phản biện, không nhất thiết phải bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" ra khỏi trường học. Quan điểm của ông ra sao?
Tôi cho rằng, muốn đổi mới giáo dục, quan trọng là hiểu về nội hàm của vấn đề. Trước hết nội dung chương trình như thế nào và thứ hai là cách thức dạy ra sao. Muốn đổi mới giáo dục, phải đổi mới hai vấn đề này, thay vì thay đổi các câu khẩu hiệu.
Hay nói cách khác, muốn khuyến khích học sinh phản biện, không cần bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" ra khỏi trường học mà người thầy phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học mới mẻ.
Trước đây, chúng ta dạy theo phương pháp truyền đạt, thầy đọc trò chép. Hiện nay phương pháp dạy khác trước, thầy cô và học sinh cùng tìm hiểu để phát huy năng lực, tăng cường tư duy phản biện của học sinh để trí tuệ của các em rộng rãi, phong phú hơn.Tôi cho rằng, đấy là phương pháp đổi mới giáo dục rất tích cực. Ngoài ra, phải chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường. Dạy trẻ em, trước hết phải dạy cách làm người như thế nào, thay vì chỉ chăm chăm dạy chữ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!