Một công ty trong Khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện '3 tại chỗ'. (Nguồn: Thanh niên) |
Nguy cơ nhãn tiền với doanh nghiệp
Kể từ tháng 4/2021, Việt Nam phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Các đợt giãn cách kéo dài khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với khoảng 30-50% lao động. Tại khu vực phía Nam, hàng triệu lao động đã phải ngừng hoạt động, tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.
Trong tổng số 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, chỉ còn chưa đến 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu sản xuất theo theo phương án "3 tại chỗ", “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch - hàng chục nghìn lao động đã về quê và hơn 10.000 lao động khác đang nhiễm Covid-19.
Đại dịch bùng phát, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã tạo sức ép lớn về chi phí sinh hoạt, tâm lý ở những khu vực nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê. Nhiều lao động tự phát về quê bằng các phương tiện cá nhân. Một số lao động khác thì về quê theo kế hoạch phối hợp giữa các tỉnh, thành phố để đảm bảo theo dõi y tế, phòng, chống dịch Covid-19.
Số lượng lớn công nhân di chuyển về quê tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Điều này cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, nhất là các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Đây là nguy cơ nhãn tiền đối với các doanh nghiệp. Điều này cũng đang đặt các doanh nghiệp vào thế khó, khi bước vào giai đoạn bình thường mới, sống chung với dịch.
"Thực tế chúng ta phải thừa nhận dịch khó có thể kiểm soát triệt để trong thời gian gần. Vì vậy, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhân lực, không nên chỉ vì một ca F0 mà đóng cửa cả một hệ thống, nhà máy" - Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. |
Theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước.
Riêng về ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thiếu nhân lực khi mở cửa kinh tế trở lại là vấn đề hiện hữu đối với các doanh nghiệp, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam. Tình trạng thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35-37%.
Ông Vũ Đức Giang nói: "Ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may. Ngành sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.
Chỉ còn vài tháng sẽ đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đây là rào cản trong việc tìm nguồn lao động thay thế. Điều này đặt ra thách thức rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp khi chưa có phương án tối ưu để tuyển lao động trong điều kiện bình thường mới".
Để "giữ chân" nguồn nhân lực
Hiện tại, câu hỏi lớn đối với các doanh nghiệp là làm thế nào để công nhân quay lại làm việc và làm thế nào để đảm bảo an toàn cho họ trong bối cảnh hiện tại?
Tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động-nền tảng của phát triển bền vững” diễn ra sáng 7/10, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho hay, hiện tại, người lao động cần 4 điều.
Thứ nhất, an toàn cho bản thân, gia đình, công ty và xã hội.
Thứ hai, có việc làm.
Thứ ba, thu nhập. Giữ nguyên lương cho người lao động đã khó, để giữ thu nhập còn khó khăn hơn vì doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp đều giảm, thì thu nhập người lao động tất nhiên bị ảnh hưởng.
Thứ tư, môi trường. Công nghệ phải làm thế nào khiến cho mỗi công ty trở thành một doanh nghiệp xanh. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần kiểm soát từng người, đi đâu, làm gì, ngồi ở đâu, tiếp xúc với những ai trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, bộ phận trong doanh nghiệp cũng phải là bộ phận xanh. Trước đây, chỉ có 2,3 ca F0 đã đóng cửa cả nhà máy hàng ngàn người. Vậy thì hiện nay, có ca F0, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để chia tách được công ty, khoanh vùng từng chỗ, cách ly từng nhóm nhỏ.
Để "giữ chân" doanh nghiệp, theo quan điểm của ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), doanh nghiệp cần làm tốt khâu tuyên truyền. Trước mắt kết nối công đoàn, chính quyền địa phương, thông báo cho lao động biết về kế hoạch tiếp nhận lại lao động cũng như các kế hoạch chăm lo, trả lương, thưởng, phúc lợi... cho lao động, để họ yên tâm quay lại làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, cán bộ y tế, cải thiện môi trường làm việc... đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe cho lao động.
Ông Vũ Minh Tiến nhấn mạnh: "Để làm được điều này, không chỉ cần sự nỗ lực của doanh nghiệp mà cần cả sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức xã hội, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể là chính sách ưu đãi tín dụng, thuế...
Song song với đó, doanh nghiệp cần kết nối với tổ chức Công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của doanh nghiệp và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm".
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động tốt hơn. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của doanh nghiệp trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19.
Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, trước hết, doanh nghiệp cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Với những doanh nghiệp đang duy trì sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ, nếu có F0 thì được điều trị ngay tại nhà máy, tại phân xưởng.
Vị chuyên gia này khẳng định: "Thực tế chúng ta phải thừa nhận dịch khó có thể kiểm soát triệt để trong thời gian gần. Vì vậy, để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhân lực, không nên chỉ vì một ca F0 mà đóng cửa cả một hệ thống, nhà máy".