Thực tế, an minh trên mạng là vấn đề rất rộng và phức tạp vì nó bao gồm tất cả những gì liên quan đến máy tính và internet như giao tiếp, giải trí, giao thông, mua sắm, y tế… Vậy làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với các cuộc tấn công để bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng internet?
Sức ép của việc bảo vệ an ninh trên mạng nóng lên từng ngày. Trước khi có smartphone, mạng xã hội, ngân hàng online, thương mại điện tử, chúng ta thường chỉ lo lắng về máy tính bị nhiễm virus, làm mất dữ liệu. Biện pháp lúc ấy là cài các phần mềm diệt virus. Ngay cả khi máy bị lây nhiễm, việc cứu dữ liệu vẫn không phải là vấn đề.
Internet mang đến nhiều rủi ro mà vấn đề lớn nhất là an ninh trên mạng. |
Nhưng đến năm 2016, Cục An toàn thông tin đã liệt kê năm vấn đề chính về an ninh mạng. Đến lúc này, người dùng mạng xã hội đều đã biết cần tránh click vào những file đính kèm hoặc đường link lạ được gửi đến và luôn phải thay đổi mật khẩu để tránh bị chiếm quyền sử dụng tài khoản và bị đánh cắp thông tin.
Để trấn an người dùng, các nhà cung cấp dịch vụ phát triển công nghệ bảo vệ hai lớp, nhận dạng khuôn mặt, vân tay...
Tưởng thế đã là an toàn thì “quả bom mới” lại bùng nổ. Chuyện Facebook để lộ thông tin của 50 triệu người dùng vừa qua khiến cư dân mạng hoang mang. Vụ việc này đã cho thấy mức độ nguy hiểm của việc thông tin cá nhân bị chính các nhà cung cấp dịch vụ làm rò rỉ.
Hàng ngày, biết bao người đang cung cấp thông tin không chỉ cho Facebook mà cho cả những ứng dụng đi kèm. Đó là những câu hỏi như “Bạn là nhân vật nào trong phim X?”, “Ai là người quan tâm nhất đến bạn trên Facebook?”… Không hiếm người chẳng thắc mắc những thông tin của mình sẽ được sử dụng vào việc gì? Việc bị hacker ăn cắp thông tin chỉ còn là chuyện nhỏ so với nguy cơ bị chính những “ông lớn” mạng xã hội sử dụng các thông tin do khách hàng tự nguyện cung cấp vào những mục đích khác.
Nhưng internet và mạng xã hội đã trở thành nhu cầu thiết yếu của con người trong thời đại kỹ thuật số. Quan trọng là chúng ta sử dụng và tương tác như thế nào để không bị đánh cắp thông tin?
Có mấy người tự vấn lại mình, liệu chúng ta có đang sử dụng mạng một cách dễ dãi? Mạng công cộng cũng như các máy tính miễn phí dùng chung như khách sạn, sân bay, ngân hàng, thư viện rất khó để có thể duy trì độ an toàn và bảo mật. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang tranh thủ “xài chùa”. Thậm chí, khi sử dụng ở công cộng, họ vẫn ngây thơ đăng nhập vào tài khoản ngân hàng cùng với các tài khoản liên quan đến những thông tin nhạy cảm.
Ngày nay, những dịch vụ lớn đã cho phép người dùng sử dụng nhiều tính năng bảo mật cao cấp. Nhưng nguyên tắc bảo mật quan trọng hơn cả có lẽ là phải biết “chọn bạn mà chơi”. Những thông tin, những tấm hình bạn đưa lên mạng xã hội nếu không cẩn thận sẽ có lúc quay trở lại hại bạn. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều người băn khoăn tự hỏi làm thế nào để có thể bảo mật thông tin an toàn. Chúng ta nên nhìn lại chính bản thân mình. Ngay từ các thao tác đơn giản, từ những cập nhật thường ngày trên Facebook, mỗi người đã biết giữ kín thông tin của mình hay chưa? Khoe trên mạng không phải là cách quảng bá hình ảnh cá nhân mà là góp phần biến thông tin của mình thành “miếng mồi ngon” ít ai ngờ tới.
Hàng ngày, tôi vẫn nhìn thấy nhiều người cập nhật việc đi du lịch, khoe nhà mới, chia sẻ con học lớp nào, trường nào. Tôi vẫn còn thấy không ít người cả tin Facebook đến mức xem thế giới ảo là thế giới thực của mình. Thậm chí, họ không ngần ngại cung cấp thông tin lẽ ra phải được giữ kín. Tôi nhìn thấy sự hoang mang của họ khi sự cố Facebook để lộ thông tin của 50 triệu người sử dụng vừa qua.
Nhưng ai có thể cứu họ nếu như không phải chính mình?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh
(Đại học Ngoại Thương Hà Nội)