📞

Tranh lụa của cố hoạ sĩ Nam Sơn được bán với giá gần 12 tỷ ở Pháp

09:29 | 23/10/2018
Bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của hoạ sĩ Nam Sơn vừa được bán với mức giá kỷ lục 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng), chưa tính phí gần 30% mà người mua phải chi trả thêm.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại của cố họa sĩ Nam Sơn) cho biết, bức tranh lụa “Thiếu nữ cầm quạt” (tên tiếng Pháp “Tonkinoise à l’éventail”) được vẽ vào khoảng năm 1935 - 1936, có kích thước 43x61,5cm, được bán với giá 440.000 Euro (gần 12 tỷ đồng) trong phiên đấu giá “Họa sĩ Á Châu - Họa sĩ đương đại Trung Quốc - Tranh thế kỷ 19 - Ấn tượng và hiện đại - Nghệ thuật đương đại” của nhà đấu giá Aguttes diễn ra từ lúc 14h30 (giờ Paris), khoảng 19h30 (giờ Việt Nam), ngày 22/10.

Đây được xem là bức tranh của cố họa sĩ Nam Sơn được bán với mức giá cao nhất từ trước tới nay trên thị trường giao dịch công khai.

Cận cảnh bức tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của cố họa sĩ Nam Sơn vừa được bán với giá gần 12 tỷ đồng tại Pháp. (Ảnh: Ngô Kim Khôi)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định, đây là mức giá vượt xa mong đợi của những người tham dự buổi đấu giá và cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam đang được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi thì bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” thể hiện chân dung một cô gái mặc áo dài xanh, quần mầu trắng, cổ đeo kiềng đang ngồi trên phản. Tay phải cầm một chiếc quạt bằng giấy mỏng màu trắng, có vẽ cành lan. Chân trái xếp bằng, chân phải co lên. Gương mặt cô dịu dàng, mang vẻ đẹp kín đáo, thanh lịch, tao nhã, phong cách tỏa ra dáng dấp của một cô gái thành thị.

Điều đáng lưu ý là nền tranh vẽ nét vân thủy làm hậu cảnh như một tấm màn gấm, mang lại cho “Thiếu nữ cầm quạt” nét quý phái, xưa cổ. Phong cách vẽ trang trí này đã được nhìn thấy trong một bức tranh lụa khác của Nam Sơn, chứng tỏ khả năng bậc thầy của ông khi dạy môn “trang trí” (art décoratif) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Bức tranh được trình bày trong chiếc khung nguyên thủy. Sau tranh là mộc của nhà sản xuất khung: “Tam Thọ Bồi Tranh – Bùi Ngọc Lưu – 58, phố Bắc Ninh (rue Maréchal Pétain), Hà Nội“.

Nhà Tam Thọ nổi tiếng với việc đóng khung tranh và đặc biệt là phương pháp bồi tranh lụa theo kỹ thuật làm hồ dán cổ truyền. Nam Sơn có thói quen đặt khung ở đây và thậm chí còn gửi con gái lớn của mình là Nguyễn Thị Kim Thoa đến học kỹ thuật bồi tranh danh tiếng ấy.

Toàn cảnh phiên đấu giá các tác phẩm hội họa tại Aguttes. (Ảnh: Ngô Kim Khôi)

“Thiếu nữ cầm quạt” thuộc bộ sưu tập của Tiểu đoàn trưởng Fernand Mallet, đóng quân tại Hà Nội từ 1936 đến 1938. Bức tranh lụa này được mang về Pháp từ năm 1938 và gia đình lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Trước đó, vào 14h30 ngày 26/3/2018 (giờ Paris), bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc kỳ” (mực nho với màu nước trên lụa, 65cm x 52,5cm, 1935) của họa sĩ Nam Sơn cũng đã được Aguttes bán với giá 205.000 Euro (hơn 5,7 tỷ đồng). Ở thời điểm đó, đây là bức tranh cao giá nhất của Nam Sơn.

Ngoài tranh của cố họa sĩ Nam Sơn thì bức tranh “Đi chợ về” (kích thước 47,5 x 35,5cm) của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng tạo cú sốc lớn khi bán với giá 230.000 Euro (gần 6,1 tỉ đồng) tại phiên đấu giá này. Đây là bức tranh có giá bán cao nhất từ trước đến nay của họa sĩ Trần Văn Cẩn.

(theo Dân trí)