📞

Tranh luận Clinton – Trump lần 2: Ai thắng ai?

14:21 | 10/10/2016
Sau kết quả được xem là chiến thắng trong cuộc tranh luận lần 1 vào ngày 27/9, bước vào cuộc tranh luận lần 2 hôm nay (10/10), bà Clinton vẫn giữ được phong độ và sự tự tin trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Khác với cuộc tranh luận đầu tiên, màn "so găng" lần này được tiến hành dưới hình thức tiếp xúc cử tri với các chủ đề thảo luận mở. Nửa số câu hỏi dành cho hai ứng viên do khán giả đặt, số còn lại do hai người điều phối chương trình đưa ra. 

Giới chuyên gia nhận định, cách tranh luận này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn khả năng phản ứng cũng như mức độ quan tâm của hai ứng viên dành cho người dân Mỹ, đồng thời kiểm tra sự trung thực trong từng phát ngôn của hai ứng viên.

Bà Clinton và ông Trump tại phiên tranh luận lần 2, diễn ra tại Đại học Washington, thành phố St.Louis, bang Missouri. (Nguồn: Reuters)

Công ty nghiên cứu truyền thông Deep Root Analytics ước tính, cuộc tranh luận trực tiếp hôm nay giữa ông Trump và bà Clinton đã thu hút khoảng 80 triệu người theo dõi.

Kết quả thăm dò dư luận do CNN thực hiện sau cuộc tranh luận cho thấy, 57% số người được hỏi cho rằng bà Clinton đã thắng trong cuộc đối đầu, còn số người cảm thấy bị thuyết phục bởi màn trình diễn của ông Trump là 34%.

Trước đó, theo kết quả thăm dò ngày 9/10 của mạng RealClearPolitics, tỷ lệ ủng hộ ông Trump giảm từ 44,5% xuống còn 42,9%, trong khi tỷ lệ ủng hộ bà Hillary tăng từ 47% lên 47,5%.

Trang mạng FiveThirtyEight.com thậm chí còn cho kết quả thăm dò với khoảng cách lớn hơn. Theo đó bà Clinton được đánh giá có đến 81,3% cơ hội trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng, trong khi tỷ lệ này của ông Trump chỉ có 18,7%.

Trên mạng Oxford Eagel, ông David Magee cho rằng, trong suốt cuộc tranh luận, ông Trump đã đưa ra một số lời cáo buộc không có cơ sở nhắm vào bà Clinton. Bên cạnh đó, ứng viên đảng Cộng hòa cũng không bỏ được "thói xấu cố hữu" là đôi lúc nói dông dài khiến người điều hành phải ngắt lời, liên tục ngắt lời đối thủ và thậm chí cả người điều hành cuộc tranh luận.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên cũng như trong những ngày qua, ông Trump luôn bị chỉ trích bởi các phát ngôn "vạ miệng", gây nhiều tranh cãi. Ngay hôm 9/10, trong một sự kiện gây quỹ cho Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tammy Duckworth ở Chicago, bang Illinois, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã nói về ông Trump rằng: "Một trong những điều đáng lo ngại nhất về cuộc bầu cử này là những lời lẽ không thể tin nổi phát ra từ phía tầng cao nhất của đảng Cộng hòa".

Về phần mình, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng cũng như tài hùng biện, bà Clinton vẫn tỏ ra điềm tĩnh trong suốt cuộc tranh luận ngày 10/10, trả lời trôi chảy các câu hỏi của khán giả, kể cả những vấn đề hóc búa như vụ bê bối email, quan hệ với Nga hay cách hành xử của Trump.

Những người ủng hộ ông Trump theo dõi cuộc tranh luận tại một quán bar ở khu vực quảng trường Madison, New York. (Nguồn: Reuters)

Ông Kenza Moller, nhà nghiên cứu chính trị ở Toronto, Canada, cho rằng bà Clinton có rất nhiều lợi thế trước cuộc tranh luận, đặc biệt khi ông Trump bị vướng vào bê bối phát ngôn tục tĩu trong đoạn video được quay cách đây hơn 10 năm và mới bị công bố hôm 7/10. Điều đó giúp bà Clinton thêm tự tin và giữ thế tấn công, trong khi ông Trump ngay từ đầu đã phải rút vào thế thủ.

Không chỉ về cách thức, ông Trump còn mắc nhiều sai sót trong nội dung tranh luận. Trong cuộc đối đầu lần hai này, ông nhắc lại tuyên bố rằng ông phản đối cuộc chiến tranh Iraq trước khi nó bắt đầu. Thế nhưng dữ liệu thực tế lại không cho thấy như vậy.

Có thể nói, bên cạnh "khẩu chiến", trong cuộc tranh luận vừa diễn ra, hai ứng viên Tổng thống Mỹ còn cạnh tranh trên một "mặt trận" khác là ngôn ngữ cơ thể. Hành động đáng nhớ nhất trong cuộc tranh luận chính là lúc ông Trump bất ngờ áp sát đằng sau trong lúc bà Clinton đang mải mê trả lời câu hỏi của khán giả.

Hành động trên của ông Trump đã hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ mạng xã hội. "Nhìn giống như poster phim kinh dị những năm 1970 vậy", Dave Itzkoff, phóng viên New York Times, viết trên Twitter cá nhân. Biên tập viên Erin Chack, làm cho trang Buzzfeed, cho biết cô đã nghĩ ra một ý tưởng trang phục cho mùa Halloween, đó là "mặc như Trump, đến một bữa tiệc và đứng sau một phụ nữ từ 1-1,5 m".

Ông Trump bất ngờ áp sát đằng sau bà Clinton trong lúc bà cựu Ngoại trưởng Mỹ tập trung trả lời câu hỏi của cử tri. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, trong một lần hiếm hoi của lịch sử bầu cử Mỹ, hai ứng viên Tổng thống không bắt tay trước khi bước vào tranh luận. Các nhà bình luận chính trị Mỹ cho rằng, có lẽ hành động "không đẹp" này cũng đã phần nào phản ánh một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai ứng viên Trump và Clinton.

Chuyên gia Amy Walter bình luận trên PBS rằng những người ủng hộ Trump sẽ hài lòng với màn thể hiện của ứng viên này giữa cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, "với những đối tượng quan trọng nhất, những người chưa quyết định là bỏ phiếu ai – những người nghèo, những người nhập cư, phụ nữ ...- khả năng này là rất khó", theo ông Walter.

"Không nghi ngờ gì về việc ai là người giành chiến thắng tối nay. Ông Donald thì tập trung vào bà Hillary. Còn bà Hillary thì dành mối quan tâm cho người Mỹ", ứng viên Phó Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Tim Kaine viết trên Twitter sau khi cuộc tranh luận kết thúc.

,

 

(theo Washington Post, CNN, Real Clear World)