Thất bại tại Quốc hội, Thủ tướng Anh loại toàn bộ nghị sĩ nổi loạn chống Brexit khỏi đảng Bảo thủ. (Nguồn: AP) |
Các nhà lập pháp đã tranh thủ thời gian để cố gắng thông qua một dự luật buộc Thủ tướng Boris Johnson phải tìm cách trì hoãn Brexit.
Theo Reuters, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị đánh bại tại cuộc tranh luận này, khiến ông phải tuyên bố rằng, ông sẽ ngay lập tức thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm.
Với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, các nhà lập pháp Anh đã ủng hộ một kiến nghị được đề xuất bởi các đảng đối lập và các nghị sĩ nổi loạn trong chính đảng Bảo thủ của ông Johnson - người đã từng cảnh báo sẽ loại bỏ những nghị sĩ này khỏi đảng Bảo thủ nếu như họ bất tuân chính phủ.
Sau cuộc tranh luận này, theo biên tập viên chính trị của BBC dẫn các nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết, ông Johnson đã trục xuất ra khỏi đảng Bảo thủ của ông toàn bộ 21 nghị sĩ thuộc đảng này bỏ phiếu chống chính phủ và ủng hộ đề xuất chiếm quyền kiểm soát Quốc hội nhằm phong tỏa khả năng Brexit không có thỏa thuận
Trong nhóm này có cựu Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và ông Nicholas Soames, cháu trai của cựu Thủ tướng Winston Churchill.
Hơn 3 năm sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU, động thái mới nhất này sẽ khiến tiến trình Brexit trở nên không chắc chắn, với kết quả có thể vẫn sẽ là từ việc rời EU không thỏa thuận trong hỗn loạn đến việc từ bỏ toàn bộ nỗ lực.
Trước đó, theo một báo cáo của cơ quan thương mại Liên hợp quốc (UNCTAD), việc London rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được một thỏa thuận thương mại có thể khiến nước Anh mất ít nhất 16 tỷ USD về xuất khẩu và có thể tổn thất nhiều hơn nữa do các tác động gián tiếp.
Báo cáo nêu rõ: "Nghiên cứu của UNCTAD cho thấy việc Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn đến hậu quả xuất khẩu của Vương quốc Anh bị mất ít nhất 16 tỷ USD, xấp xỉ 7% tổng giá trị xuất khẩu của Vương quốc Anh sang EU. Các thiệt hại này có thể nặng nề hơn bởi các biện pháp phi thuế quan, kiểm soát biên giới và hậu quả từ việc đổ vỡ mạng lưới sản xuất hiện nay giữa Vương quốc Anh và EU".
Trước đó cùng ngày, trong chuyến thăm Ireland, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã trao đổi với Tổng thống nước chủ nhà Michael D. Higgins và Thủ tướng nước này Leo Varadkar rằng, Washington muốn đóng bất cứ vai trò nào có thể để đạt được thành công trong Brexit.
Ông Pence khuyến khích Anh rời EU theo một phương thức “giảm thiểu tình trạng chia sẻ về thương mại” và đảm bảo sự ổn định tại Ireland bằng cách tuân thủ Thỏa thuận Ngày thứ Sáu Tốt lành" (GFA). Ông cũng hối thúc EU mở thêm các cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh Boris Johnson trước hạn chót của Brexit.
Ông Pence nêu rõ: “Mỹ ủng hộ quyết định của Vương quốc Anh trong việc rời EU, song chúng tôi cũng nhận thấy những thách thức riêng biệt tại biên giới của các bạn và tôi có thể chắc chắn với các bạn rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích Vương quốc Anh và Ireland đảm bảo rằng bất cứ thỏa thuận Brexit nào cũng tuân thủ Thỏa thuận GFA”.
Ông cũng nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Ireland rằng, Mỹ cũng rất mong muốn đàm phán một thỏa thuận thương mại mới với EU.
Thỏa thuận GFA được ký kết ngày 10/4/1998 tại Bắc Ireland, kết thúc một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20. Kể từ đó, tiến trình hòa bình tại Bắc Ireland đã đi được một chặng đường dài với những thành tựu quan trọng trên các mặt chính trị, kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu này cùng với tương lai của bản thân GFA đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan đến tiến trình Brexit.