📞

Tranh luận trực tiếp có thể xoay chuyển bầu cử Mỹ?

17:34 | 27/09/2016
Liệu các màn đối đầu giữa bà Clinton và ông Trump có thực sự là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” như những gì dư luận kỳ vọng?

Cuộc tranh luận năm nay được cho là có nhiều điểm khác biệt. Đó là cuộc đối đầu giữa một chính trị gia đầy kinh nghiệm và một nhân vật mới bước vào chính trường, một ứng viên dường như không thích sự chú ý của truyền thông với một ngôi sao truyền hình thực tế.

Khoảnh khắc then chốt

Sự kỳ vọng của dư luận trong nhiều tuần qua đã sụt giảm phần nào bởi những phát biểu và tiết lộ của đội ngũ vận động tranh cử của cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ. Những người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho rằng, ông Trump sẽ có màn thể hiện tốt bởi ông từng có một chương trình truyền hình thực tế rất ăn khách.

Trong khi đó, các cố vấn tranh cử của ông Trump cho biết, ứng viên này không chuẩn bị cho buổi tranh luận theo hướng truyền thống: không có những cuốn sách hướng dẫn; không có những buổi diễn tập tranh luận, và cũng không có những câu trả lời được chuẩn bị trước.

Bà Clinton và ông Trump tại buổi tranh luận ngày 26/9. (Nguồn: Vox)

Nhiều người cho rằng, khó có thể tin được cả hai ứng viên đều đang nghiêm túc trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu các cử tri hạ thấp kỳ vọng và ứng viên của họ đạt được một số điểm nhấn như mong đợi, thì khi một trong hai người giành chiến thắng, họ có thể khẳng định rằng đó là “một màn trình diễn xuất sắc”. Trên thực tế, các nhà sử học sẽ chỉ chú ý vào các khoảnh khắc then chốt trong các cuộc tranh luận để xác định xem đâu là bước ngoặt của cuộc đua vào Nhà Trắng.

Bài học từ lịch sử

Trong chiến dịch tranh cử năm 1976, Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford từng khẳng định, Ba Lan không nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô, và điều này nhanh chóng bị coi là nguyên nhân dẫn đến thất bại của ông trước ứng viên Jimmy Carter của đảng Dân chủ. Tuy nhiên, thực tế là trong nhiều cuộc phỏng vấn vào ngày hôm sau, rất ít cử tri nhận ra sai sót này và có ý kiến cho rằng tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Gerald Ford bắt đầu sụt giảm sau cuộc tranh luận trực tiếp là vô cùng phiến diện, bởi sự thật là tỷ lệ ủng hộ ông đã liên tục giảm trong suốt mùa vận động tranh cử.

Câu chuyện lại tiếp tục tái diễn vào năm 1980. Ronald Reagan khi đó đã có một màn tranh luận ấn tượng. Bất chấp những lo ngại về tuổi tác, ông vẫn được đánh giá là “điềm tĩnh và kiểm soát được tình hình” và giành chiến thắng một cách thuyết phục. Đối thủ của ông, Tổng thống Jimmy Carter lại bị những con số yếu kém về kinh tế làm ảnh hưởng đến cuộc đua, bên cạnh đó là cuộc điều tra của Quốc hội nhằm vào người em trai Billy Carter, và việc Iran không chịu đàm phán trả các con tin bị giam giữ ở Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Trước cuộc tranh luận, ông Reagan đã dẫn trước 5 điểm. Vì vậy, màn trình diễn này có chăng cũng chỉ giúp gia tăng khoảng cách của ông với Tổng thống Carter.

Ông Ronald Reagan và Tổng thống đương thời Jimmy Carter trong cuộc tranh luận năm 1980. (Nguồn: Politico)

Bốn năm trước, tại cuộc tranh luận ở bang Colorado, mọi người đều nghĩ rằng ứng viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney sẽ giành chiến thắng. Ông thực sự đã vượt trội hơn đương kim Tổng thống Barack Obama - người bị cho là có màn trình diễn khá nhàm chán, thiếu quyết tâm và sử dụng quá nhiều ngôn từ hoa mỹ để bày tỏ quan điểm của ông. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử dường như không có nhiều thay đổi. Ông Obama vẫn giữ thế dẫn trước và đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

Những sự kiện bất ngờ

Hầu hết các cử tri đều đã quyết định họ sẽ bỏ phiếu cho ứng viên nào. Các cuộc tranh luận có thể cung cấp thêm một số thông tin cho những người đang do dự, song đa số cử tri thường chỉ cổ vũ cho ứng viên mà họ đã chọn. Thực tế là các ứng viên có thể kiểm soát màn trình diễn của họ ở các cuộc tranh luận. Họ có thể đã được chuẩn bị, đã lên kế hoạch và sẵn sàng đối phó với mọi đòn công kích từ đối thủ.

Những người ủng hộ bà Clinton tập trung bên ngoài Đại học Hofstra ngày 26/9. (Nguồn: Reuters)

Điều sẽ thay đổi cục diện của cuộc bầu cử chính là những sự kiện bất ngờ từ nay cho đến ngày bầu cử - những điều nằm ngoài khả năng kiểm soát của các ứng cử viên – và cách họ phản ứng với vấn đề đó.

Bốn năm trước, trong một bài viết đăng trên tạp chí Washington Monthly, chuyên gia John Sides thuộc Đại học George Washington đã đưa ra bình luận về những diễn biến này. Ông kết luận: “Các học giả, những người theo dõi cẩn thận nhất các dữ liệu, đã phát hiện ra rằng các cuộc tranh luận trực tiếp rất hiếm khi ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống”.

(theo Al Jazeera)