Hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ ngoại giao Romania, Viện nghiên cứu và phát triển quốc gia Romania (ICB) phối hợp với Đại sứ quán các nước châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Malaisia, Indonesia và Pakistan), Cơ quan xúc tiến xuất khẩu (AREX) và tổ chức hoạch định chiến lược (IF).
Bộ trưởng ngoại giao Romania Teodor Melescanu đã tham dự và chủ trì hội nghị quan trọng này.
Các đại biểu và Đại sứ các nước châu Á - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị. |
Đến dự và trình bày tham luận tại hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ thương mại và môi trường kinh doanh Romania Ilan Laufer, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Romania Mihai Daraban, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Viorel Gafita, Tổng giám đốc ngân hàng XNK Eximbank Traian Halalai.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Trần Thành Công đã trình bày thực trạng và triển vọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa - giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Romania thời gian qua.
Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh triển vọng phát triển hợp tác hai bên sau chuyến thăm Việt Nam 7/2016 của Thủ tướng Romania Dacian Ciolos trên các lĩnh vực công nghiệp dầu khí (đào tạo chuyên gia, kỹ thuật hóa dầu, cung cấp thiết bị khai thác dầu khí...), xây dựng (thiết kế và xây dựng nhà ở, cầu đường, sản xuất VLXD…), năng lượng (sản xuất thiết bị điện, cơ khí chế tạo…).
Đây là các lĩnh vực tiềm năng của Romania và cũng là các lĩnh vực có nhiều cán bộ, chuyên gia, kỹ sư Việt Nam được đào tạo tại Romania trong những năm trước đây.
Đại sứ Trần Thành Công đã giới thiệu bức tranh tổng quát về Việt Nam, một đất nước hoà bình, ổn định về chính trị - xã hội, một nền kinh tế phát triển năng động, thị trường tiềm năng về hợp tác thương mại - đầu tư, địa điểm du lịch hấp dẫn… đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thiết lập quan hệ đối tác thông qua dự án hợp tác về môi trường hiện đang triển khai về bảo tồn sinh học, xử lý nguồn nước và phát triển du lịch sinh thái giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Tulcea của Romania.
Đây là hợp tác cấp địa phương đầu tiên của Việt Nam với một nước thành viên EU trong khuôn khổ hợp tác liên tiểu vùng của ASEM, nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực cùng quan tâm, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn là một điển hình hợp tác liên khu vực giữa các nước ven sông Mekong và Danube trong quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới.