Nhỏ Bình thường Lớn

Trật tự thế giới mới: Hữu nghị hay Xung đột?

Mỹ không còn chịu trách nhiệm gánh vác các cuộc khủng hoảng của thế giới. Nước nào sẽ thay? Nga, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ, nhưng họ cũng đang phải cạnh tranh với Châu Âu và Mỹ giành lấy các nguồn tài nguyên đang ngày càng hạn hẹp. Chỉ có “thay đổi thông qua việc thiết lập lại các mối quan hệ hữu nghị”, chứ không phải là một sự “xung đột trong tương lai” có thể đưa chúng ta tiến về phía trước.
Mỹ không còn chịu trách nhiệm gánh vác các cuộc khủng hoảng của thế giới. Nước nào sẽ thay? Nga, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ, nhưng họ cũng đang phải cạnh tranh với Châu Âu và Mỹ giành lấy các nguồn tài nguyên đang ngày càng hạn hẹp. Chỉ có “thay đổi thông qua việc thiết lập lại các mối quan hệ hữu nghị”, chứ không phải là một sự “xung đột trong tương lai” có thể đưa chúng ta tiến về phía trước.

Thách thức toàn cầu

 

Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên không có cường quốc thế giới duy nhất thống trị. Địa cầu đang bị bao vây bởi các cuộc khủng hoảng – thay đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, khủng hoảng tài chính và lương thực, phổ biến vũ khí hạt nhân và sự yếu kém của các nhà nước. Không một quốc gia nào có thể đơn phương đưa ra các giải pháp để có thể giải quyết được các vấn đề này. Thậm chí cả Liên hợp quốc cũng không thể đảm trách được trách nhiệm này. Quả thực, như Thủ tướng Anh đã từng tuyên bố hồi tháng 4 rằng, các tổ chức quốc tế được thành lập đầu Thế chiến II hiện không còn đáp ứng được các nhu cầu của thế giới hiện đại.

 

17 năm trước, nhà báo Mỹ Charles Krauthammer đã nói về rạng đông của một kỷ nguyên mới, rằng Mỹ sẽ là điểm trung tâm của trật tự thế giới mới trong những thập kỷ tới. 5 năm trước đây, cựu ngoại trưởng Mỹ đã từng phát biểu ở Davos rằng Mỹ có quyền đề xướng các hành động quân sự đơn phương.

 

Nhưng chiến tranh Iraq đã làm tan tành giấc mơ về một kỷ nguyên “chủ nghĩa đế quốc tự do”, trong đó Mỹ tuyên truyền các giá trị và ý tưởng bằng các phương tiện cưỡng ép. Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã thúc đẩy quá trình dịch chuyển quyền lực nhanh hơn – từ Mỹ và châu Âu tới Ấn Độ, Trung Quốc, Nga cũng như các quốc gia vùng Vịnh.

 

Thế giới đa cực

 

Một số cuốn sách mới xuất bản ở Mỹ đã miêu tả những sự thay đổi này về mặt chính trị. Chính quyền mới của Mỹ buộc phải nghiên cứu kỹ các cuốn sách như Thế giới hậu nước Mỹ, (The Post American World) của Fareed Zakaria, Thế giới thứ hai (The Second World) của Parag Khanna, Cuộc thử nghiệm vĩ đại (The Great Experiment) của Strobe Talbott, cũng như cuốn Đối thủ (Rivals) của Bill Emmott, Chiến tranh vì sự thịnh vượng (The War for Wealth) của Steingart. Điểm chung của các tác phẩm này là các tác giả đều chấp nhận tiền đề thế giới đa cực, mặc dù các phân tích và biện minh chính sách của họ khác nhau khá nhiều. Bill Emmott, Fareed Zakaria và Gabor Steingart hình dung nước Mỹ tiếp tục phát triển và có khả năng lãnh đạo vượt Đại Tây Dương, trong khi Parag Khanna nhìn thấy một cuộc cạnh tranh đang tiềm ẩn giữa châu Âu, Trung Quốc và Mỹ để giành thiện ý của các quốc gia như Nga và Ấn Độ - những nước mà ông liệt kê vào “thế giới thứ hai”. Mặc dù có những khác biệt giữa các tác giả này, nhưng các tác giả đều có cái nhìn tinh tường về hiện thực thế giới ngày nay – không giống như những nhà tân bảo thủ, những người chịu trách nhiệm chính về chính sách đối ngoại Mỹ trong suốt 8 năm qua.

 

Tổng thống Mỹ George Bush từng phát biểu: “Chúng ta không được phép có sai lầm”. Một chính quyền Mỹ muốn tránh “sai lầm” đang sắp sửa phải tìm một chỗ đứng trong thế giới đa cực mới.

 

Trật tự thế giới mới

 

Vậy những cường quốc nào có tiếng nói quyết định trong trật tự thế giới mới này?

 

Mỹ, Nga, Trung Quốc, Brazil và EU chắc chắn nằm trong số đó. Điều thú vị là những quốc gia này đang xích lại gần nhau hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời đã chỉ ra mối quan hệ sâu sắc giữa họ đã bắt đầu. Những điểm tương đồng khác cũng đang hé lộ. Ngoại trừ châu Âu, mỗi nước trong số này đều chứa đựng trong mình các phương diện của cái gọi là thế giới thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Chẳng hạn, ở thành phố Mumbai, người ta chứng kiến khu ổ chuột lớn nhất châu Á nằm cạnh trung tâm kinh tế phồn vinh. Lái xe dọc theo các đường phố ở Nga, bạn sẽ chứng kiến những cảnh giàu có đến kinh ngạc cho đến cảnh nghèo đói cùng cực. Thậm chí ở Mỹ, quốc gia giàu nhất thế giới, một bộ phận dân số phải vật lộn kiếm sống hàng ngày.

 

Các quốc gia này không phải là kẻ thù của một quốc gia khác, họ cũng không phải là bạn bè; họ là “bạn thù” (frenemies), là những đối thủ cạnh tranh trong một thế giới khan hiếm tài nguyên. Những quốc gia này đảm bảo với những người dân rằng họ có thể định hình một trật tự thế giới mới và đưa đến một tương lai thịnh vượng cho họ. Tuy nhiên, tầm nhìn về tương lai của mỗi quốc gia lại khác nhau.

 

Không phải tất cả các “bạn thù” đều là những nền dân chủ trong cảm thức của phương Tây. Sự thành công của Singapore và Trung Quốc, cũng như các quốc gia vùng Vịnh chứng minh rằng các quốc gia không cần thiết phải dân chủ (theo cách đánh giá của phương Tây), họ cũng có thể đảm bảo được mức sống cao cho người dân.

 

Ngân hàng Deutsche, vừa thành lập một diễn đàn quốc tế mang tên Dự báo nhằm phân tích và so sánh tầm nhìn tương lai của các cường quốc thế giới hiện thời và các cường quốc đang xuất hiện. Thông qua các tranh luận, dự án này mong muốn tìm ra các yếu tố cho một tương lai chung. Nhưng mục đích chính của các cuộc hội thảo được tổ chức của diễn đàn này đều mong muốn nhìn nhận thế giới qua nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ đơn thuần qua lăng kính phương Đông hay phương Tây.

 

Những liên minh mới được thành lập, trong đó các quốc gia này chống lại các quốc gia khác sẽ không có khả năng giải quyết các thách thức của thế kỷ 21. Những dạng thức mới của hợp tác, tham vấn và sự thỏa hiệp quốc tế sẽ phải đóng vai trò trung tâm trong thế giới đa cực. Thật vô lý khi Italy thuộc G-8 mà không phải là Trung Quốc hay Brazil. Và tại sao Hội đồng Bảo an lại “bỏ sót” Ấn Độ, Brazil, EU trong khi Pháp, Anh là những thành viên thường trực?

 

Nhu cầu cần thiết có những dạng thức mới về quản lý quốc tế: trong một thế giới với những nguồn lực đang cạn kiệt và khí hậu biến đổi, các quốc gia phải nỗ lực theo đuổi các mục đích của mình nhằm đạt được các lợi ích ngắn hạn. Các thách thức này buộc phải hình thành một cơ cấu tổ chức quốc tế mới và cân bằng các lợi ích. Chỉ có việc “thay đổi thông qua việc thiết lập lại các mối quan hệ hữu nghị” chứ không phải là một sự “xung đột trong tương lai” có thể đưa chúng ta tiến về phía trước.

 

Thảo Vân(Tổng hợp từ Spiegel)