📞

Trật tự thế giới nào trong kinh tế?

09:59 | 16/02/2009
Nước Mỹ hãy từ bỏ vị trí. Các quan chức tài chính muốn thiết lập những quy định tài chính mới trên toàn cầu. Đó là nội dung bài viết của Justin Fox trên tạp chí Time số ra ngày 16/2/2009. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
(Ảnh minh họa)
 

Trong vài tuần gần đây, thế giới lịch sự sát cánh cùng Washington và quan sát việc Washington áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và các kế hoạch mới để cứu trợ ngân hàng. Đâu đó trên thế giới có điều tiếng về các điều khoản “mua hàng Mỹ” trong gói kích thích tài chính. Tuy nhiên, quan chức ở các nước không muốn dẫm lên vết chân của vị Tổng thống mới. Họ cũng không muốn làm phương hại đến thể chế luật pháp mà họ hy vọng sẽ giúp khởi động nền kinh tế toàn cầu.

 

Các chính khách từ Bắc Kinh, Berlin cho tới Brasilia… coi cuộc khủng hoảng hiện nay là sản phẩm của hạ tầng tài chính rối loạn do Mỹ thống trị. Các nước này sẽ sớm thúc đẩy những thay đổi lớn trong nền tài chính toàn cầu, bất kể Mỹ có muốn hay không.

 

Tất cả những vấn đề đó sẽ được bàn vào ngày 2/4 khi G20 (gồm lãnh đạo của 19 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu) họp mặt tại London. Trước hội nghị này, tại cuộc họp không chính thức ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos, Thụy Sĩ), các lãnh đạo G20 đã đọc diễn văn, trò chuyện tại hội trường và phác thảo một trật tự mà các nước khác ngoài Mỹ muốn hướng tới.

 

Cuộc thảo luận về khủng hoảng tài chính trên thế giới khác hẳn với các cuộc thảo luận diễn ra tại Mỹ. Ở Mỹ, có đôi chút tranh luận về nguyên nhân của tình trạng hỗn độn hiện nay: do quá nhiều can thiệp của chính quyền đối với thị trường nhà ở hay do chính quyền có quá ít quy định đối với thị trường tài chính. Ở các nơi khác trên thế giới thì không có cuộc tranh luận nào như vậy cả. Việc thể chế tài chính thiếu và không nhất quán đều bị chỉ trích như nhau. Hơn nữa, dường như các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương trên thế giới đều có quan điểm như nhau về nguyên nhân chủ yếu và quan trọng của cuộc khủng hoảng. Đó là mất cân đối và mất kiểm soát đối với hệ thống dòng vốn trên toàn cầu. Một vài nước chi lớn (như Mỹ) mắc những khoản nợ khổng lồ trong khi những nước có khoản tích lũy lớn (như Trung Quốc, Ấn Độ) lại có thặng dư. 

 

Cách tiếp cận toàn cầu mới trong lĩnh vực định hình thể chế là khá rõ ràng. Vào mùa xuân năm trước, các nhà lãnh đạo các nước G-7 đạt thỏa thuận thành lập “hiệp hội các giám sát viên” nhằm phối hợp chặt chẽ hơn về thể chế của các ngân hàng đa phương. Vào tháng Giêng, G30 – tổ chức của các cựu thống đốc ngân hàng, thống đốc ngân hàng đương chức và các nhà điều hành tài chính đã kiến nghị phải sớm xác định các tổ chức tài chính “quan trọng đối với hệ thống” (các tổ chức quá lớn để đổ vỡ). Các tổ chức tài chính này phải đáp ứng các yêu cầu tài chính cao hơn và nhiều quy định tài chính chặt chẽ hơn.

 

Tuy nhiên, ngay từ trước khi xuất hiện khủng hoảng, các nhà điều hành tài chính trên thế giới đã phối hợp xây dựng các tiêu chuẩn về vốn ngân hàng. Cũng đã có nhiều cuộc thảo luận về sự cần thiết có một thể chế mới để điều hành các dòng tài chính toàn cầu  – “hệ thống Bretton Woods mới” là cụm từ được vang lên tại Davos.

 

Bretton Woods là khu nghỉ dưỡng trên núi ở New Hampshire. Năm 1944, các quốc gia liên minh đã gặp gỡ để xây dựng hệ thống tài chính sau chiến tranh. Hệ thống Bretton Woods bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chế độ tỷ giá hối đoái cố định tồn tại ¼ thế kỷ. Chế độ tỷ giá cố định được xây dựng quanh đồng đôla Mỹ gắn với vàng.

 

Tỷ giá cố định và chế độ bản vị vàng kết thúc vào những năm 1970. Từ đó đến nay, thế giới có một hệ thống trong đó thi thoảng IMF can thiệp để giúp các nước gặp khủng hoảng tiền tệ (luôn bằng cách áp đặt những điều kiện ngặt nghèo), tuy nhiên, IMF lại không có thực quyền đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

 

Viện trợ của IMF không đem lại nhiều kết quả trong cuộc khủng hoảng tiền tệ của các thị trường mới nổi vào cuối những năm 1990. Sau cuộc khủng hoảng, các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ rút ra bài học cần phải tích lũy dự trữ bằng đồng đôla Mỹ để bảo vệ đồng nội tệ. Để tăng dự trữ ngoại tệ, các nước này đạt thặng dư thương mại lớn chủ yếu nhờ thâm hụt thương mại lớn ở Mỹ do các khoản vay khổng lồ của Mỹ từ các nước trên thế giới. Đây là điệu balê tài chính mất cân bằng trầm trọng và đã tàn phá tới tận gốc rễ của hệ thống tài chính.

 

Nhiều quan điểm ngoài Mỹ (cũng có một vài quan điểm trong nước) cho rằng  để hạn chế sự dư thừa như vậy, cách duy nhất là thông qua một tổ chức IMF lớn hơn, mạnh hơn – một tổ chức có thể hoạt động như ngân hàng trung ương của thế giới và có thể gõ cửa các nước khi cần. Tuy nhất trí rằng trong tổ chức IMF mới, sự thống trị của Mỹ và Tây Âu phải giảm, nhiều vấn đề sẽ gây tranh cãi ngay sau khi người ta thực hiện quyền bỏ phiếu. Các dòng vốn có cần bị hạn chế? Có cần giới hạn về thâm hụt thương mại và thặng dư thương mại? IMF có thể ra lệnh cho các nước, kể cả Mỹ? Nếu câu trả lời là khẳng định thì chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ phải bước vào một kỷ nguyên mới ít tự do hơn.         

 

Mai Uyên(gt)