Tôi đã có lần viết về một cô giáo ở Đà Nẵng xông vào trường tiểu học để đánh giáo viên chủ nhiệm con mình, vì hôm trước cô giáo có đánh bé. Cô giáo cũng đòi bạo lực phải trả bằng bạo lực, tát phải trả bằng tát. Thông điệp mà trẻ nhận được đang là: “Bạo lực là biện pháp tối thượng. Bạo lực sẽ giải quyết được tất cả”.
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ, thầy cô ngụy biện rằng: “đánh bởi yêu thương”, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “hay chữ không bằng dữ đòn, “người dạy bằng roi, voi dạy bằng búa”...
Học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, TPHCM tham dự chuyên đề "Nói không với bạo lực học đường". (Nguồn: Dân trí) |
Khi trẻ vừa bước chân vào trường học đã có cả một đội ngũ săm soi bắt lỗi, ghi sổ như Sao Đỏ, Cờ Đỏ, giám thị… Khi học sinh học vì sợ, sợ điểm kém, sợ thi trượt, sợ bị phạt, sợ bị cười, sợ bày tỏ chính kiến, sợ tranh luận cùng giáo viên. Khi trẻ chịu quá nhiều sức ép từ điểm số và thi cử, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô. Khi một lỗi sai nhỏ của trẻ cũng có thể bị thổi phồng thành chuyện khủng khiếp, bị chì chiết, cảnh cáo, bêu riếu trước tập thể.
Khi ra đường, ra chợ thấy đầy nỗi sợ, sợ rau quả ngậm thuốc kích thích, thịt kích siêu nạc, sợ hóa chất công nghiệp trong thực phẩm. Sợ thiếu tiền, sợ thiệt thòi... Cơ hội để dạy trẻ con sống tử tế nhân ái thiếu quá!
Tiếp xúc với cái ác, đầu tiên bạn thấy nó rất ghê tởm, nhưng nếu thường xuyên, hẳn sau đó bạn thấy quen dần và bình thường. Cũng giống như vào phòng tắm hơi, khi nhiệt độ tăng từ từ, bạn có thể chịu đựng được tới 80- 120 độ C.
Số liệu thống kê năm 2015 của tổ chức phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em (Plan Internationnal) và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW). (Nguồn: Zing) |
Những mâu thuẫn luôn có lộ trình phát triển. Cơn bão nào cũng bắt nguồn từ việc tăng nhiệt độ trên mặt nước. Làm sao để dạy con cách hóa giải những mâu thuẫn khi mới manh nha, cách uyển chuyển tránh né đụng độ? Có những vụ đánh nhau tàn nhẫn, bắt đầu chỉ từ vô tình giẫm vào chân, hay mở cửa sổ đụng đầu một học sinh hung hãn mà không xin lỗi.
Tôi nghĩ rằng, trẻ không cần đọc chữ, học tiếng Anh quá sớm trước tuổi tới trường. Trẻ cũng không cần luyện não giữa, không cần tính nhẩm siêu tốc. Cha mẹ hãy dành thêm thời gian để dạy con kết giao thân thiết với các nhóm bạn tốt, biết phòng tránh “bão” ngay từ khi bão chưa tới.
Cha mẹ hãy dạy con đừng giấu diếm nguy hiểm, đừng lùi vào chân tường, đừng để mình rơi vào tình huống đơn độc giữa bầy sói... Hãy dạy con biết tính toán cách bảo vệ mình trước khi tính toán phương trình. Con cần biết cách nói với bạn ngọt ngào trước khi viết bài luận hay.
Con cần phải được trân trọng ngay từ trong nhà, để ra ngoài con biết giá trị của mình ở đâu?