Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ tháng 10/2020, ngày 10/12. (Ảnh: Hạnh Nguyên) |
Qua hơn một năm triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và phục hồi (từ tháng 11/2020 - 12/2021), hơn 730.000 người dân thuộc 12 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên đã được trợ giúp với tổng giá trị trên 217 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trong năm 2020, tình hình mưa lũ dị thường, đặc biệt từ tháng 9 đến giữa tháng 11, những cơn bão, lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trên địa bàn. Mưa lũ, sạt lở đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ chiến sĩ; Phá huỷ nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 35.181 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tập trung hỗ trợ địa phương bị ảnh hưởng; Tổ chức nhiều đoàn công tác do Chủ tịch Hội và các Phó Chủ tịch Hội trực tiếp cứu trợ khẩn cấp tại các tỉnh bị thiệt hại nặng như Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam...
Trước tình hình thiên tai diễn biến khó lường, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhanh chóng lập Ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung…
Đồng thời đưa ra Lời kêu gọi trong nước (ngày 13/10/2020) và phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ -Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ban hành Lời kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam (ngày 28/10/2020) nhằm vận động nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân giai đoạn phục hồi, kiến thiết cuộc sống.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định, đây là Chương trình đặc biệt quan trọng, có quy mô trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố, đối tượng hỗ trợ rất lớn.
Các chương trình, dự án hỗ trợ tập trung vào những lĩnh vực và nhu cầu cấp thiết nhất của cộng đồng như: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu thông qua cấp tiền mặt đa mục đích; Chỗ ở, mặt hàng phi lương thực; Hỗ trợ sinh kế; Nước sạch vệ sinh trong tình huống khẩn cấp; Chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp; Trường học an toàn; Các can thiệp về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các hoạt động truyền thông.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Nhờ có sự chủ động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đồng thời nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Hiệp hội, các Hội quốc gia, tổ chức quốc tế, Hội chữ thập đỏ các tỉnh/thành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua Lời kêu gọi đã có tổng số 10 chương trình, dự án cứu trợ khẩn cấp và phục hồi được triển khai tại 12 tỉnh, thành miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên với tổng giá trị tiền và hàng là hơn 217 tỷ đồng. Chương trình đã can thiệp được số lượng người hưởng lợi ấn tượng là 730.164 người trong đó có 358.579 người là nữ, chiếm tỷ lệ 49,1%.
Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam trao thùng hàng cứu trợ cho người dân trong vùng mưa lũ. (Nguồn: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Trong tổng kinh phí triển khai các hoạt động cứu trợ (trên 217 tỷ đồng) nguồn hỗ trợ từ Trung ương Hội là trên 11 tỷ đồng; Nguồn hỗ trợ từ các tỉnh, thành Hội không bị thiên tai trị giá trên 105 tỷ đồng; Nguồn Lời kêu gọi trong nước và quốc tế thực hiện thông qua các dự án trị giá gần 101 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Sỹ Pha – Trưởng ban Phòng ngừa, ứng phó thảm họa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kiến nghị: Các bộ, ban, ngành nên giao Hội Chữ thập đỏ các địa phương tham gia công tác điều phối, chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động cứu trợ tại địa phương; Ngoài sắp xếp và phê duyệt các chương trình cứu trợ trong Nghị định 50, Nghị định 80, cần có cơ chế đặc thù riêng về công tác tiếp nhận hỗ trợ đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trong các trường hợp khẩn cấp…
Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở các địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động, nhất là các hoạt động cần tập trung đông người. Nhưng đến nay toàn bộ các hoạt động của Chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm 2020 đã cơ bản hoàn tất.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình cứu trợ và vượt qua thách thức kép của dịch bệnh và thiên tai tác động, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các cấp Hội địa phương triển khai đúng quy trình, quy định của Nhà nước, của Trung ương Hội và nhà tài trợ; Tổ chức tập huấn quy trình lựa chọn hộ hưởng lợi phù hợp với từng lĩnh vực cứu trợ có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân (chú ý các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí ưu tiên), cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời các vấn đề vướng mắc; Ký hợp đồng với hệ thống bưu điện để hỗ trợ việc cấp phát tiền mặt nhanh chóng, kịp thời, an toàn và đảm bảo giãn cách trong thời gian dịch bệnh Covid-19…