Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự hiện diện của 30 đại biểu là các chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm quốc tế và tâm huyết đóng góp cho đất nước như GS.TS Nguyễn Đức Khương (Pháp), PGS. Trần Nam Bình (Austraulia), GS. Trần Ngọc Anh (Mỹ), GS Lê Văn Cường (Pháp), GS. Nguyễn Quốc Vọng (Australia), GS. Trần Hải Linh (Hàn Quốc)... cùng chuyên gia quốc tế nghiên cứu về các vấn đề phát triển của Việt Nam như GS. Kenichi Ohno (Nhật Bản).
Cơ hội để lắng nghe ý kiến tâm huyết
Lần đầu tiên được tổ chức nhưng Diễn đàn đã tập hợp được 16 bài tham luận và 14 ý kiến thảo luận, tập trung vào ba vấn đề: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam; và Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ trái qua phải: Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam; GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và GS. Trần Ngọc Anh, nhóm Sáng kiến Việt Nam (Mỹ) chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, tổ chức Diễn đàn là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát huy các nguồn lực kiều bào, huy động kiến thức của chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài và kinh nghiệm quốc tế vào hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, chiến lược phát triển kinh tế và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của trí thức kiều bào là được tham gia vào quá trình phát triển đất nước.
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Đông đảo các đại biểu tham dự Diễn đàn tại Hà Nội. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Diễn đàn là một hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết 36 - NQ/TW và Chỉ thị 45 - CT/TW của Bộ Chính trị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Ông Huệ cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về vấn đề vai trò đổi mới khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo... trong mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mong trở thành sự kiện thường niên
Tối cùng ngày, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để trao đổi, thảo luận về những vấn đề lớn để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Chúc mừng sự có mặt của những chuyên gia, trí thức lớn người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra năm bài toán phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030: Việt Nam sẽ trở thành nước mạnh về nông nghiệp, Việt Nam trở thành một trung tâm chế tạo mới của thế giới, Việt Nam phát triển hệ thống đô thị thông minh, quản lý thông minh, nhân lực khoa học - công nghệ của Việt Nam vào tốp 3 ASEAN trước năm 2025 và Việt Nam trở thành nước mạnh về du lịch.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Như vậy, dù chỉ diễn ra trong vòng một ngày nhưng với tinh thần tích cực, cởi mở, Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập giai đoạn 2016–2020 đã thành công tốt đẹp. Các ý kiến tại Diễn đàn sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, tổng hợp, phục vụ việc nghiên cứu, phân tích nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Các đại biểu đều mong muốn Diễn đàn này sẽ được tổ chức thường xuyên để các trí thức kiều bào có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của đất nước.
T.T