Những năm gần đây, nhiều mạng lưới chuyên gia, trí thức được ra đời, thu hút sự tham gia đông đảo của các học giả, nghiên cứu sinh, nhà khoa học người Việt tại khắp nơi trên thế giới. Điều gì đã làm nên một phong trào lớn mạnh như vậy?
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà lưu niệm cho GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch VIS trong chuyến thăm London, ngày 5/5/2023. (Ảnh: NVCC) |
Những cánh chim đầu đàn
Được thành lập từ năm 2011 tại Pháp, đến nay mạng lưới của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) do GS. TS Nguyễn Đức Khương làm Chủ tịch, đã có mặt ở trên 20 quốc gia với khoảng 10 nghìn hội viên là các trí thức mong muốn đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam.
AVSE Global thu hút và gắn kết sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ này qua những báo cáo chính sách, tư vấn chiến lược ở trung ương và địa phương, đào tạo quản lý cấp cao, các diễn đàn chuyên môn và các chương trình nghiên cứu phát triển. Tất cả hoạt động này đều hướng đến mang lại hiệu quả đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam
Đặc biệt, với cương vị thủ lĩnh, GS. TS Nguyễn Đức Khương cùng các thành viên của AVSE Global đang xây dựng các nền tảng để chuyển hóa tri thức khoa học toàn cầu thành những kiến thức phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh và tiến bộ xã hội.
AVSE Global thường niên tổ chức cuộc thi Đổi mới sáng tạo Hack4Growth với mục tiêu tạo ra một sân chơi tìm kiếm giải pháp đổi mới cho Việt Nam, cũng như tạo diễn đàn về người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF).
GS. TS Nguyễn Đức Khương chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi là phát huy hết sức mạnh người Việt đóng góp vào sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước. VGLF là một chiến lược thu hút nhân tài, xây dựng nguồn lực cần thiết cho Việt Nam trong nền kinh tế tri thức. Mỗi sự kết nối dựa trên tri thức, sáng tạo và trí tuệ tập thể sẽ là chìa khoá đưa đến những cộng hưởng nguồn lực vô tận”.
Có thể thấy, sự ra đời của AVSE Global đã góp phần truyền cảm hứng cho sự ra đời của rất nhiều mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt ở các nước.
Ở xứ sở hoa anh đào, Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ) ra mắt vào năm 2019, đánh dấu bước phát triển mới quan trọng đối với giới trí thức Việt tại đây. Trên cơ sở tập hợp sức mạnh từ Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản, Hội Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản và Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Hội có nhiều hoạt động tích cực, trong đó nổi bật là các Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết của trí thức người Việt cho đất nước, cộng đồng cũng như quan hệ hai nước.
Tại Anh và Ireland, đội ngũ trí thức Việt đã thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc với hình thức hoạt động ngày càng đa dạng. Kể từ khi thành lập vào năm 2020, Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) đã tổ chức thành công rất nhiều hội thảo và sự kiện về khoa học, công việc, giúp đỡ các thành viên trẻ trong nghiên cứu khoa học và tìm quỹ nghiên cứu bên Anh, cũng như kết nối và xây dựng quan hệ hợp tác Việt Nam - Anh, Việt Nam - Ireland.
GS.TS Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch VIS cho biết, VIS hiện có hơn 120 thành viên, gồm 14 giáo sư, 35 phó giáo sư, còn lại là giảng viên cao cấp, giảng viên, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ làm việc trong hơn 30 ngành nghề (tài chính, ngân hàng, công nghệ, luật, báo chí, môi trường, giáo dục...) tại gần 70 trường đại học.
Mục tiêu của Hội là xây dựng một cộng đồng trí thức mạnh, người đi trước chia sẻ kinh nghiệm với người đi sau; tiếp tục kết nối với nhiều trường đại học, các doanh nghiệp, công ty công nghệ Việt Nam, tham gia tư vấn chính sách cho chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam.
Những thành viên của mạng lưới VIN tại Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ. |
Khi “một cây làm chẳng lên non”
Trong một cuộc trò chuyện với TG&VN, TS. Lê Quý Vang - chuyên gia cao cấp về khoa học dữ liệu tại Đại học Aalborg (Đan Mạch) cho rằng cần chung tay trong việc xây dựng đội ngũ nhân sự lớn mạnh để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, vì “một cây làm chẳng nên non”!
Khi trở thành Chủ tịch của Hội Chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch, TS. Lê Quý Vang đã mang tinh thần ấy để tập hợp và kết nối các chuyên gia, trí thức người Việt đang công tác và học tập tại đây nhằm phát huy khả năng, trí tuệ của từng cá nhân thành sức mạnh tập thể.
Có thể hiểu sự kỳ vọng của TS. Lê Quý Vang cũng như nhiều thủ lĩnh khác về một sức mạnh tổng lực, bởi bên cạnh việc ngày càng xuất hiện thêm những mạng lưới chuyên gia, trí thức (như Thụy Sỹ, Hà Lan…), Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIN) ngày càng được mở rộng ra các nước.
Là một trong những thành viên đầu tiên của VIN ở nước ngoài, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Australia (NIC AU) ra đời với tầm nhìn thúc đẩy trao đổi đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa Australia, các nước tiên tiến khác và Việt Nam.
Theo TS. Trần Phi Vũ - Chủ tịch NIC AU, mạng lưới tập trung thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp thông minh tại Việt Nam bằng cách tổ chức hội thảo và kết nối với các viện, trường đại học hàng đầu về nông nghiệp tại hai nước. NIC AU cũng đồng hành cùng các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể cho nông nghiệp Việt Nam.
Ở Đài Loan (Trung Quốc), TS. Võ Đức Thắng - Chủ tịch VIN Taiwan cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thành viên trong cộng đồng trí thức người Việt tại đây, tổ chức hội thảo hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng tuyển tập Khoa học và Công nghệ của Đài Loan...
Anh Nguyễn Quang Phước - đại diện Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK) cũng khẳng định, mạng lưới hướng tới xây dựng cộng đồng khoa học người Việt Nam tại Hàn Quốc như cố vấn khoa học, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp công nghệ cao.
Theo TS. Nguyễn Việt Anh - Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ở châu Âu (VINEU), mạng lưới đang triển khai hoạt động chính gồm tư vấn - đào tạo, kết nối đầu tư - kinh doanh, phát triển cộng đồng trí thức khoa học và công nghệ…
Ở tận Bờ Tây nước Mỹ, thành viên mới của VIN đã ra mắt vào năm 2022, quy tụ đông đảo trí thức Việt đang làm việc trong các trường đại học và tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google, Nasa, Cisco…
Nhấn mạnh những kết quả tích cực từ mạng lưới VIN ở nước ngoài, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tin tưởng đây là những bước đi đầu tiên vững chắc nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam, cũng như có thể quy tụ và phát huy nguồn lực trí thức của người Việt trên toàn cầu.
-------------------------------
Kỳ III: Tâm nguyện của người trẻ
| Bộ Ngoại giao luôn khuyến khích và trân trọng những đóng góp của trí thức kiều bào hướng về quê hương Chiều 6/11, tại trụ sở Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NNVNVNONN) Lê ... |
| TP. Hồ Chí Minh tri ân trí thức kiều bào có đóng góp thiết thực trong công tác giảng dạy Chiều 14/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp mặt trí thức kiều bào nhân ... |
| Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp Đó là tên Hội nghị do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) – Bộ Ngoại giao phối hợp với ... |
| Huy động nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) khẳng định, cần ... |
| Trí thức kiều bào - Nguồn lực quý của đất nước (Kỳ I): Khơi thông dòng chảy Việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan ... |