Đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tham dự Đại hội toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2038. (Nguồn: Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu) |
Từ những cuộc gặp gỡ không thể thiếu trong chương trình của những chuyến thăm cấp cao đến sự hỗ trợ và ủng hộ tích cực cho các hoạt động và phong trào của thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài… nói lên nhận thức mạnh mẽ về vai trò quan trọng của đội ngũ này đối với sự nghiệp phát triển của đất nước. Qua đó, có thể hiểu sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với lực lượng trí thức trẻ kiều bào.
Những người Việt trẻ ở nước ngoài luôn đau đáu, trăn trở về vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước. Điều đó thể hiện qua những hoạt động hướng về nguồn cội, các dự án, công trình nghiên cứu, cũng như sự tích cực tham gia vào các hội đoàn, tổ chức như Hội thanh niên sinh viên ở các nước, mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Diễn đàn Trí thức trẻ toàn cầu và mạng lưới Trí thức trẻ.
Ý thức trọng trách đối với Tổ quốc
Anh Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Australia (SVAU):
Mục tiêu của SVAU là tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức trẻ - nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
Chúng tôi ý thức đây là sứ mệnh và trọng trách đối với Tổ quốc. Vì vậy, SVAU tiếp tục mở rộng các hoạt động kết nối tới những tổ chức chuyên môn như Hệ sinh thái Khởi nghiệp Việt Nam - Australia (SVF - AU) nhằm tìm kiếm, hỗ trợ những start-up có tiềm năng phát triển.
Thực tế, SVAU đã trực tiếp đồng hành cùng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Australia (NIC - AU) và SVF - AU tổ chức cuộc thi Hack4Growth Australia. Chúng tôi mong hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án khởi nghiệp xuất sắc tiến bước vào Hack4Growth quy mô toàn cầu, đồng thời nuôi dưỡng những ý tưởng, nghiên cứu sáng tạo rồi hiện thực hóa chúng và cống hiến cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tìm lại sợi dây liên kết với người Việt
Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Hà Thi, Giám đốc Học viện Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI Academy) tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam:
Định nghĩa về nguồn cội và bản thân luôn là thách thức đối với tôi. Tôi băn khoăn mình bị mất gốc hay là con người của tự do, đồng thời lo lắng bị mắc kẹt giữa ranh giới của hai điều đó.
Những lần trở về Việt Nam đã vượt quá sự mong đợi của tôi. Bằng việc kết nối với người thân, nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ tôi được học những năm đầu đời, thưởng thức ẩm thực tuyệt vời. Đặt chân lên những điểm đến trên dải đất hình chữ S xinh đẹp và hơn hết có những mối liên hệ sâu sắc với bạn bè Việt Nam, tôi phần nào đã tìm lại sợi dây liên kết với phần con người Việt, bản sắc Việt bên trong…
Tôi hy vọng có được sự tham gia của trí thức Việt tại nước ngoài thông qua hoạt động tình nguyện ở Việt Nam. Như một hệ quả, các hoạt động tình nguyện được chuyên nghiệp hóa thông qua sự đóng góp của họ. Tôi mong ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, tạo điều kiện cho trí thức trẻ ngoài nước được đóng góp công sức, phát huy các sáng kiến, ý tưởng, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Các kết nối ngoài nước cần đủ mạnh
TS. Nguyễn Phan Thắng, Đại học Gachon (Hàn Quốc):
Theo tôi thấy, các bạn trẻ Việt Nam khi bước ra môi trường quốc tế đều quyết tâm, nỗ lực cao và đam mê cháy bỏng cho sự nghiệp. Các bạn có rất nhiều thế mạnh để phát huy, điển hình là sự thông minh, cần cù, chịu khó trong công việc, biết xác định mục tiêu rõ ràng.
Hiện nay, Nhà nước đang có rất nhiều chính sách thu hút tài năng trẻ Việt tại nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động thực tế còn chưa phổ biến rộng rãi, nhiều tri thức trẻ có nguyện vọng cống hiến cho đất nước nhưng chưa biết thông tin phù hợp để ứng tuyển, phát huy những năng lực bản thân tại môi trường trong nước. Trong khi đó, nhiều cơ quan muốn tuyển dụng nhân sự lại không kết nối được, gây bất lợi cho cả hai bên. Bởi vậy, khó khăn chính trong thu hút nhân tài là cách tiếp cận và mức độ phủ sóng của các chương trình cho tài năng trẻ còn hạn chế, trong khi các kết nối ngoài nước chưa đủ mạnh.
Vững tin trở về đất mẹ
Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Hòa, nghiên cứu sinh tiến sĩ, thực tập sinh opera tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin. (Ảnh:NVCC) |
Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Hòa, nghiên cứu sinh tiến sĩ, thực tập sinh opera tại Học viện âm nhạc Liên bang Nga mang tên Gnesin:
Tôi có rất nhiều bạn là những người Việt trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba sau khi học tập đã quyết định về nước làm việc và cống hiến. Điều này cho thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ trong công tác tuyên truyền và xây dựng niềm tin với kiều bào đã phát huy tác dụng, giúp họ vững tin trở về đất mẹ.
Sau hơn 40 năm hòa bình lập lại, với nhiều nỗ lực của các thế hệ cha ông, Việt Nam trở thành mảnh đất lành, thu hút ngày càng nhiều những tri thức kiều bào trở về xây dựng đất nước.
Là nghệ sĩ, tôi cho rằng, cần có thêm những chính sách mới để phát triển nghệ thuật hàn lâm, bởi đây giống như “tấm danh thiếp” của Việt Nam khi giao lưu với thế giới. Những năm qua, nhiều sinh viên được nhận học bổng du học nghệ thuật. Điều này giúp Việt Nam có nhiều chuyên gia làm nghệ thuật trình độ cao và khi họ về nước sẽ mang theo những kiến thức mới cùng nhiều mối quan hệ quốc tế có ích, góp phần vào sự phát triển của âm nhạc nước nhà.
Không e ngại sốc văn hóa “ngược”
Anh Mai Tuấn Minh, sinh viên Đại Học Công Nghệ Nanyang (NTU), đồng sáng lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore. (Ảnh: NVCC) |
Anh Mai Tuấn Minh, sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), đồng sáng lập Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam tại Singapore (VINS):
VINS mới được thành lập là việc làm cần thiết vì ở đây cộng đồng sinh viên rất mạnh, luôn hướng về quê hương, đất nước. Mạng lưới sẽ giúp cho những người tham gia hiểu hơn về tình hình Việt Nam hiện nay, từ đó có thể về nước làm việc, cống hiến mà không còn tư tưởng e ngại với những cú sốc văn hóa “ngược”. Điều này giúp họ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế nước nhà và họ ổn định nơi làm việc nhanh hơn.
Theo tôi, bên cạnh mong muốn về một môi trường học thuật tốt để phát triển, một trong những “nỗi đau” của trí thức là thiếu kênh truyền tải thông điệp và kiến nghị trực tiếp, khi gửi kiến nghị đi thì thiếu đi cảm giác “được thưởng”. Bởi vậy, nếu có cách biết được độ ảnh hưởng tích cực từ sáng kiến ấy, có thể họ sẽ đóng góp tích cực hơn.
Chung mục tiêu giúp đỡ cộng đồng người Việt
Chị Nguyễn Thị Hồng Tiên - Đồng Trưởng Ban tổ chức “Vòng tay nước Mỹ” năm 2023, Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. (Ảnh: NVCC) |
Chị Nguyễn Thị Hồng Tiên - Đồng Trưởng ban tổ chức “Vòng tay nước Mỹ” năm 2023, Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUSA):
Hơn 10 năm qua, Vòng tay nước Mỹ do AVSPUSA tổ chức đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của hàng chục nghìn sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc không chỉ tại Mỹ mà trên khắp thế giới, cũng như kết nối với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tại Mỹ và Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động thiện nguyện thuộc chuỗi sự kiện giúp đỡ hàng chục ngàn hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam do lũ lụt, thiên tai, Covid-19, các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em vùng sâu vùng xa, các bệnh nhi ung thư...
Là một trong số ít tổ chức tiên phong trong việc kết nối và hỗ trợ sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, trải qua hơn một thập kỷ, chúng tôi rất vui vì ngày càng có nhiều tổ chức, hội, nhóm được lập ra với cùng chung một mục tiêu là hỗ trợ và giúp đỡ cộng đồng người Việt. Chẳng hạn như các nhóm chuyên gia và các hội thanh niên sinh viên tại các quốc gia khác.
Kỳ cuối: Quê hương vẫy gọi, ở đâu cũng có thể cống hiến!