📞

Trí thức trẻ kiều bào: Kết nối là nguồn sức mạnh

AN VŨ 09:18 | 06/11/2021
Như những cánh chim không mỏi, những trí thức trẻ kiều bào luôn khao khát đi và đặt chân đến những vùng đất mới để khám phá kho tàng kiến thức, mở mang sự hiểu biết. Thế nhưng, dường như trong trái tim họ, hai tiếng Việt Nam luôn là ý thức, động lực và cũng là nỗi trăn trở...

Trong một cuộc trò chuyện về việc phát huy nguồn lực trí thức người Việt ở nước ngoài vào phát triển đất nước hiện nay, TS. Lê Quý Vang, chuyên gia cao cấp về khoa học dữ liệu tại Đại học Aalborg (Đan Mạch) nhấn mạnh, “một cây làm chẳng nên non”.

Suy nghĩ của TS. Lê Quý Vang cũng là của nhiều trí thức trẻ kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc tại các nước...

CEO Tony Dương (thứ tư, từ trái) và các đồng nghiệp tại CPI.

Đam mê cống hiến

Với Tony Dương - một CEO người Việt tại Mỹ, thì ngoài xây dựng sự nghiệp cá nhân, việc hỗ trợ tích cực cho cộng đồng du học sinh Việt Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của anh.

Trước thực tế có hàng nghìn du học sinh sau khi được đào tạo tại Mỹ không xin được việc làm phù hợp, phải bỏ lại giấc mơ lập nghiệp, Tony Dương đã sáng lập Học viện đào tạo kỹ năng và Hướng nghiệp quốc tế (CPI) nhằm giúp định hướng chiến lược ngành nghề và đào tạo kỹ năng. Qua đó, các du học sinh có thể nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của bản thân trên thị trường quốc tế.

Tại CPI, chàng trai trẻ cùng các bạn dùng kiến thức đào tạo bài bản, có phương pháp, huấn luyện chuyên sâu, giúp học viện có nền tảng kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp. Bằng kinh nghiệm làm việc trong ngành tư vấn chiến lược tại nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ, anh đã trực tiếp tham gia đào tạo thành công các sinh viên Việt Nam và quốc tế.

Đặc biệt, theo anh, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy cả thế giới chuyển nhanh sang thời đại 4.0. Bởi vậy, những bạn trẻ Việt có dự định du học và tìm việc ở Mỹ nếu không kịp thời nâng cao kỹ năng, bắt kịp những thay đổi trong bối cảnh này thì rất dễ bị tụt lại và mất năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Đưa ra ý tưởng mới về ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục ở Việt Nam, TS. Vũ Ngọc Huy, Đại học Bách khoa Quốc gia Odessa cho rằng, cá nhân anh không thể biến ý tưởng trở thành hiện thực nếu như không có sự chung tay, kết nối từ nhiều người.

Theo tiến sĩ trẻ của học viện đào tạo kỹ thuật lớn nhất và lâu đời nhất miền Nam Ukraine, ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý giáo dục có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao tính an toàn, minh bạch, tin cậy của dữ liệu. Anh tin rằng, nền tảng Blockchain đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc nhanh chóng số hóa và kết nối đồng bộ các lĩnh vực trong cuộc sống.

Anh Huy nói: “Chúng ta đang sống thời kỳ kết nối nên tôi mong muốn sự hiểu biết và lĩnh vực chuyên môn của mình có thể tìm được sự đồng cảm và kết nối với nhiều ngành, nghề khác. Mỗi trí thức nếu chỉ đứng một mình sẽ không làm được điều gì thực sự lớn lao cho đất nước. Chỉ khi chúng ta có sự chung tay và kết nối mới có thể đưa Việt Nam phát triển vươn tầm quốc tế”.

Văn hóa là “công cụ mềm”

Sinh sống và làm việc tại thành phố Nantes của Pháp, nhạc sĩ Hoàng Thu Trang hiện là Chủ tịch kiêm nhà sáng lập ART SPACE - nơi xúc tiến các hoạt động giáo dục nghệ thuật và giao lưu văn hóa.

Ước muốn những bạn nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Pháp không quên đi cội nguồn văn hóa là lý do ban đầu thôi thúc chị Trang thành lập ART SPACE. Thế nhưng, điều khiến chị kiên trì thực hiện các dự án chính là sự động viên và tham gia nhiệt tình của các bạn Pháp.

Niềm hạnh phúc của chị là khi thấy rất nhiều gia đình không hề có mối liên hệ gì với Việt Nam nhưng đều đặn cho con tới tham gia sinh hoạt ở ART SPACE, học hát và múa trên nền âm nhạc Việt Nam, vẽ và sáng tạo trên các sản phẩm thủ công như mẹt tre, nón lá.

Chị Hoàng Thu Trang tham gia giảng dạy về văn hóa Việt Nam cho học sinh tại Trường Tiểu học Françoise Giroud, thành phố Saint Herblain, Pháp.

Chị Trang chia sẻ: “Tôi luôn tự hào về quê hương với nền tảng văn hóa lâu đời và nền âm nhạc nghệ thuật phong phú. Những giá trị văn hóa truyền thống từ thời ông cha cùng sự chuyển mình năng động của thế hệ trẻ đã mang lại cho Việt Nam những nét đặc trưng riêng biệt và một sức sống trẻ trung, sôi nổi”.

Tại Mỹ, nghệ sĩ guitar Trần Tuấn An cũng mong muốn là cây cầu nghệ thuật để đưa khán giả nước ngoài đến gần hơn với văn hóa Việt.

Sinh ra tại Hà Nội và đoạt giải Nhất Cuộc thi Tài năng trẻ Guitar Việt Nam năm 12 tuổi, Trần Tuấn An đã có cơ hội theo học tại những trường đại học danh tiếng trên đất Mỹ với những suất học bổng quý giá như học bổng toàn phần dành cho chương trình thạc sĩ tại Đại học Yale và học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ tại Đại học Northwestern.

Môi trường lao động nghệ thuật tại Mỹ rất khắt khe và cạnh tranh cao. Trần Tuấn An cho biết, mỗi khi anh biểu diễn, khán giả nước ngoài luôn thấy thú vị, một phần vì anh đến từ Việt Nam.

Ngoài các hoạt động biểu diễn quốc tế và dạy các lớp học nâng cao, nghệ sĩ trẻ này còn tranh thủ biểu diễn quyên góp từ thiện tại quê hương để giúp cho các em học sinh tại các trường nghèo, hoặc giao lưu và tặng quà cho các em ở trường học đặc biệt như trường Nguyễn Đình Chiểu.

Nghệ sĩ guitar Trần Tuấn An. (Ảnh: NVCC)

Ở đâu cũng có thể cống hiến

Là Giáo sư tập sự tại Đại học Gachon (Hàn Quốc), TS. Nguyễn Phan Thắng, người được vinh danh Giải thưởng Quả Cầu Vàng 2020 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vẫn mong muốn được hiện thực hóa nghiên cứu khoa học ở quê hương.

Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật hóa học và sinh học, anh Thắng đang nghiên cứu về pin tích trữ năng lượng sử dụng các ion kim loại như lithium, natri, canxi. Mục tiêu của anh là tạo ra những sản phẩm góp phần làm xanh, sạch môi trường, có ích cho con người và môi trường sống.

Nói về tiềm năng từ nguồn lực trí thức trẻ Việt, tiến sĩ cho biết, các bạn trẻ khi bước ra môi trường quốc tế đều quyết tâm, nỗ lực cao và đam mê cháy bỏng cho sự nghiệp đi cùng các thế mạnh là sự thông minh, cần cù và sáng tạo.

Bày tỏ niềm vui khi Nhà nước đang có rất nhiều chính sách để thu hút tài năng trẻ Việt tại nước ngoài, nhưng theo anh Thắng, các hoạt động thực tế còn chưa phổ biến rộng rãi, nhiều trí thức trẻ có nguyện vọng cống hiến cho đất nước nhưng chưa biết đến thông tin phù hợp để ứng tuyển.

Anh nói: “Người Việt trẻ luôn có thể phát huy những thế mạnh, cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng khó khăn chính trong việc thu hút nhân tài ở nước ta hiện nay là cách tiếp cận vẫn đang ở mức bề nổi và mức độ phủ sóng của các chương trình cho tài năng trẻ vẫn còn hạn chế và các kết nối chưa đủ mạnh”.

Chia sẻ của anh Thắng cũng có sự đồng cảm với nghiên cứu sinh Phạm Thị Quỳnh Chi tại Đại học Bologna (Italy) khi chị mong Chính phủ, Nhà nước ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, quan tâm và tạo điều kiện cho trí thức trẻ ngoài nước được đóng góp trí tuệ vào sự phát triển của đất nước.

Chị Quỳnh Chi chia sẻ: “Đối với trí thức trẻ, không quan trọng là đi hay ở, quan trọng là cống hiến như thế nào và bằng cách nào. Đây cũng là hướng mà Nhà nước đang thực hiện để kéo dần nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đất nước. Có lẽ, như một người lao động bình thường, trí thức trẻ cần một môi trường làm việc có đủ khoảng không để thử - sai - sửa, một mức thu nhập tốt cho cá nhân và gia đình, những mối quan hệ chất lượng và sự công nhận xã hội”.

Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước.