📞

Trí tuệ nhân tạo có triệt tiêu ý chí con người?

11:12 | 08/04/2016
Gần đây, cả thế giới xôn xao trước một trận đấu lịch sử giữa con người và máy móc. Trí thông minh nhân tạo (AI) AlphaGo của công ty Google đã giành chiến thắng thuyết phục 4-1 trong 5 ván đấu với nhà vô địch cờ vây thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol.
 

Chiến thắng này thực sự có ý nghĩa rất lớn. Máy tính Deep Blue của IBM từng đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov 20 năm trước, nhưng cờ vây và cờ vua rất khác nhau. Bàn cờ vây rộng hơn và số nước đi lớn hơn rất nhiều, do đó dạy máy tính chơi cờ vây khó hơn. Vì thế, việc AlphaGo giành chiến thắng trước một trong những kỳ thủ giỏi nhất của loài người có ý nghĩa rất lớn.

Trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh: artificial intelligence hay machine intelligence, thường viết tắt là AI) là trí tuệ được thực hiện bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Trí thông minh nhân tạo liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Các ứng dụng bao gồm các nhiệm vụ điều khiển, lập kế hoạch, trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của công ty, nhận dạng chữ viết, tiếng nói và khuôn mặt. Do đó trí thông minh nhân tạo đã trở thành một môn học, với mục đích chính là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế.

Mối nghi ngờ

Điều thú vị là một số người tự hỏi liệu AlphaGo có cố tình chịu thua các ván tiếp theo để không gây ra nghi ngờ của con người về tham vọng thống trị nhân loại của cỗ máy này. Thực ra, mặc dù máy móc giỏi hơn con người ở khả năng phân tích logic, chúng vẫn chỉ là một công cụ được con người sử dụng. Mối nguy thực sự của những AI như AlphaGo không phải ở chỗ nó sẽ thống trị con người mà là nó sẽ khiến con người mất đi tinh thần phấn đấu và mục đích sống.

Một số người nói AlphaGo có thể tư duy như con người, với tốc độ nhanh hơn. Nhưng không hoàn toàn đúng. AlphaGo nhanh hơn con người rất nhiều nhưng tư duy của nó không giống con người. Nó có khả năng tư duy logic sâu và sau một vài điều chỉnh của các chuyên gia, nó có thể đánh bại con người ở bất cứ vấn đề logic nào. Vì thế, AI được phát triển dựa trên khả năng “học sâu” có thể đem lại những thay đổi gì? Trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều ứng dụng thương mại của AI. AI sẽ giúp giải quyết các vấn đề và tạo ra nhiều giá trị cho các cá nhân và doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận lớn hơn với rủi ro thấp hơn trong đầu tư. Việc chẩn đoán và giải mã gien tự động sẽ giúp đưa ra các phương pháp điều trị linh hoạt cho mỗi bệnh nhân.

AI có thể hỗ trợ các chuyên gia hoặc thậm chí thay thế họ. Các lao động không có chuyên môn cao có thể bị thất nghiệp. Trong những năm tới, nhiều công việc tồn tại hiện nay sẽ được thay thế dần bằng máy tính. Máy móc sẽ thay thế nhiều kế toán, giáo viên, y tá, nhà quản lý tài chính, v.v. Máy tính không cần lương. Chúng chỉ cần điện và mạng Internet là có thể làm việc quanh năm, và sẽ giúp chúng ta tạo ra hầu hết của cải cho thế giới.

Chưa có cảm xúc

Mặc dù những máy móc này thực sự rất thông minh và chăm chỉ, chúng vẫn không có phẩm chất như con người. Máy tính hiện nay vẫn chưa hiểu được cảm xúc của con người, những giá trị như niềm tin và sự tôn trọng. Mỹ thuật, cái đẹp, tình yêu, sự hài hước là những khái niệm hoàn toàn xa lạ với máy móc. Đây là một thách thức lớn đối các nhà nghiên cứu AI.

Vì máy móc chỉ là công cụ để tạo ra giá trị, ít nhất trong thời điểm hiện tại, chúng ta chưa phải lo sợ về việc AI thống trị nhân loại. Vậy chúng ta phải lo lắng về điều gì? Những máy móc tính năng mạnh này có thể sẽ gây ra làn sóng thất nghiệp chưa từng thấy. Nhưng thất nghiệp chưa phải là khía cạnh đáng ngại vì máy móc sẽ tạo ra những giá trị có thể hỗ trợ các công nhân thất nghiệp và toàn bộ nhân loại. Điều mà con người cần lo lắng là khi máy tính chăm lo được cho cuộc sống của chúng ta, và chúng ta đều thỏa mãn được các nhu cầu cơ bản của đời sống, liệu con người còn ý chí để theo đuổi những thách thức to lớn và hoàn thiện bản thân?

(tổng hợp)