📞

Triển lãm ‘Âm Vọng’: Cảm hứng nghệ thuật đương đại từ 'bách khoa toàn thư' bằng đồng của Việt Nam

16:58 | 09/12/2024
Triển lãm ‘Âm Vọng’ trưng bày 81 tranh khắc gỗ in trên giấy dó, loạt ván khắc gỗ, hàng chục tác phẩm gốm sứ, trang phục thêu trên chất liệu nhung, lụa các họa tiết trên cửu đỉnh.
Họa tiết hoa sen trên trang phục áo dài truyền thống được ra mắt tại triển lãm “Âm Vọng”. (Nguồn: Vietnam+)

Từ ngày 8-20/12, triển lãm “Âm Vọng” diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tại đây, 162 họa tiết trên Cửu Đỉnh (9 đỉnh đồng) được đúc thời vua Minh Mạng đã trở thành cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong triển lãm.

Tác giả là nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, một nhà thiết kế thời trang và hai nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng, với mong muốn tôn vinh và phát huy các giá trị di sản nghệ thuật của bậc tiền nhân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm dự án “Âm Vọng”, các tác phẩm được trưng bày không chỉ dừng ở việc chuyển thể các thiết kế từ Cửu Đỉnh lên chất liệu mới (gỗ, gốm, vải), mà còn hướng đến sáng tạo, phát triển, tạo nên sự tiếp cận mới đậm giá trị đương đại.

“Chúng tôi mong muốn tiếp thị Cửu đỉnh bằng các hình thức mới, nhằm quảng bá một di sản đặc biệt của lịch sử, văn hóa Việt Nam”, bà Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Các tác phẩm tranh khắc gỗ từ họa tiết trên đỉnh đồng. (Nguồn: Vietnam+)

Tại triển lãm “Âm Vọng”, 81 tranh khắc gỗ in trên giấy dó, loạt ván khắc gỗ, 21 tác phẩm gốm sứ và 10 tác phẩm trang phục thêu trên chất liệu nhung, lụa về các họa tiết trên 9 đỉnh đồng này.

Giới nghiên cứu nhận định ngoài tính biểu tượng cho các vị vua nhà Nguyễn, Cửu Đỉnh còn được coi như bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX.

Áo dài với họa tiết trang trí từ một trong 9 đỉnh đồng triều Nguyễn. (Nguồn: Vietnam+)

Trải qua hơn 180 năm tồn tại, 162 họa tiết trên các đỉnh đồng chưa từng bị chỉnh sửa. Tất cả đã khắc họa rõ nét thế giới quan của người Việt bấy giờ, thông qua mô tả bằng hình các loại động-thực vật, các địa danh sông núi, biển đảo, vũ khí, phương tiện di chuyển… mang cái nhìn toàn cảnh như “bách khoa toàn thư” về một quốc gia giàu có và cường thịnh dưới thời vua Minh Mạng.

Nhờ giá trị lịch sử và văn hóa như thế, năm 2012, Cửu Đỉnh được công nhận là Bảo vật quốc gia trong đợt 1. Tháng 5/2024, các bản khắc nổi tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là di sản tư liệu thứ 10 của Việt Nam được tổ chức này công nhận.

(theo TTXVN)