Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm tranh Việt - Hàn với chủ đề: "Phật pháp được lưu truyền tại thành phố Hà Nội nghìn năm". (Ảnh: MH) |
Triển lãm trưng bày 85 tác phẩm tranh thủy mặc (mực nho, màu nước) và 1 tác phẩm sắp đặt đồ họa (khắc gỗ độc bản) trên giấy Hanji (giấy truyền thống của Hàn Quốc) của các nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc là Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae và Ni sư Kim Won Do cùng nghệ sĩ thị giác Việt Nam Vũ Bạch Liên.
Phát biểu tại sự kiện, bà Pham Thi Nah, Trưởng ban tổ chức khẳng định: “Năm 2023 là một năm đầy ý nghĩa khi Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận đơn vị là Viện phật giáo Hàn Quốc tại Hà Nội. Viện đã tổ chức thành công buổi ra mắt với sự tham dự của Thượng sư Chia San - Tổng pháp sư đời thứ tư của Viện Phật giáo Hàn Quốc. Triển lãm lần này được tổ chức nhân lễ Phụng Phật tại Viện Phật giáo Hàn Quốc tại Hà Nội".
Bà Han Hoa Chung, Ni sư Viện Phật giáo Hàn Quốc tại Hà Nội nói: “Chúng tôi mong rằng triển lãm này sẽ là cơ hội cho công chúng khám phá hình ảnh người tu hành trong tranh và trong chữ của tranh Son Muk Hwa Hàn Quốc. Đồng thời, triển lãm là một địa chỉ, nơi giao lưu văn hóa Hàn Quốc-Việt Nam”.
Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghệ thuật Hàn Quốc tại Triển lãm. (Ảnh: MH) |
Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn (nghệ danh Sơn Kiều), phụ trách hỗ trợ chuyên môn của triển lãm nhấn mạnh: “Đây là cơ hội để các họa sĩ và những người yêu tranh Thủ đô Hà Nội được giao lưu, học hỏi với các họa sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc. Chúng ta có thể học hỏi từ Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae không chỉ cách giữ được truyền thống hội họa của gia đình, chất liệu thể hiện đặc trưng Hàn Quốc, mà còn học được cách phát triển chúng một cách sáng tạo".
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghệ thuật Hàn Quốc, khẳng định: “Xu hướng toàn cầu của làn sóng văn hóa Hàn Quốc là nền tảng của văn hóa đại chúng, trong cả nghệ thuật và mỹ thuật. Tranh thiền, tranh vẽ về thiên nhiên, hoa cỏ của các họa sĩ Hàn Quốc đã được cộng đồng nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới công nhận.
Triển lãm có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu kỷ niệm 31 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2023), góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Tác phẩm tiêu biểu tại triển lãm. (Nguồn: BTC) |
Tác phẩm của Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae tại triển lãm. (Nguồn: BTC) |
Bằng nét bút điêu luyện và tư duy nghệ thuật cao đầy cảm xúc với thiên nhiên hoa cỏ trong sự luân chuyển của 4 mùa, đan xen triết lý nhân sinh trong xã hội đương đại, các họa sĩ đã gửi gắm tình cảm của mình trong những bức tranh, mang lại cho công chúng nhiều trải nghiệm hết sức gần gũi.
Ở đó, những mảng màu thủy mặc - đen trắng bình dị, trong trẻo đan quện với những nét bay vút của mảng tranh gỗ độc bản làm không gian vừa tĩnh, vừa động, đem đến cái an tĩnh lắng đọng lòng người mà không ngừng biến ảo trong một dòng chảy tương tác, va chạm đầy phóng phú của sự sống.
Trong không gian nghệ thuật này, mỗi họa sĩ mang trong mình sứ mệnh và tình cảm riêng. Mỗi tác phẩm thấm đượm bản sắc của từng tác giả.
Các tác phẩm của Giáo sư, họa sĩ Kim Chang Bae giới thiệu các chủ đề về hoa sen, chim, thiền trà và văn học Hàn Quốc. Trong khi đó, họa sĩ Kim Won Do - nhà nghiên cứu tranh mực Zen, cũng là người sáng lập hội họa Won Muk Hwa giới thiệu những tác phẩm thủy mặc sâu lắng, đưa người xem vào trạng thái tĩnh tâm.
Các thành viên Ban tổ chức cùng đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. (Ảnh: HM) |
Là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất tham gia triển lãm, nghệ sĩ thị giác Vũ Bạch Liên giới thiệu tới công chúng tác phẩm đồ họa sắp đặt mang tên “Mạch đời”. Tác phẩm mang thông điệp “Mỗi cá thể vận động trong xã hội - tất cả nằm trong một dòng chảy tương tác va chạm vụt qua, không ngừng biến ảo tạo nên sự phong phú đặc biệt và đầy kỳ diệu của thế giới này”.
Được biết, tiền bán các tác phẩm trưng bày ở triển lãm sẽ được sử dụng cho việc xây dựng chùa Phật Giáo Viên tại Hà Nội. Theo kế hoạch, triển lãm kéo dài đến hết ngày 14/11.