Cột mốc Việt - Trung ngày xưa (Ảnh minh họa) |
Triển lãm được chia làm 3 phần: Biên giới Việt Nam trước năm 1945; Công tác biên giới lãnh thổ từ năm 1945 đến nay; Xây dựng biên giới Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Triển lãm trưng bày gần 300 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và những kết quả trong công tác phân giới, cắm mốc biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng thời gian qua.
Phần đầu của Triển lãm giới thiệu những hiện vật, tài liệu, hình ảnh về cương vực lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trước năm 1945 như: Đại Nam nhất thống toàn đồ - một bản đồ chính thống của Việt Nam được vẽ dưới thời vua Minh Mạng (1834); An Nam đại quốc họa đồ (năm 1838),…; các hiện vật, tài liệu về Công ước hoạch định biên giới An Nam – Trung Quốc do thực dân Pháp đại diện cho chính quyền bảo hộ ký với nhà Thanh năm 1887 và 1895, …
Triển lãm cũng giới thiệu bộ sưu tập hiện vật về đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ tác nghiệp của các đoàn, các nhóm, đội phân giới cắm mốc mà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Ủy ban Biên giới quốc gia mới sưu tầm tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Trị, Tây Ninh trong thời gian vừa qua,…cùng nhiều hình ảnh, hiện vật liên quan.
Ngoài ra, tại phần trưng bày ngoài trời, Triển lãm còn trưng bày những cột mốc đã cắm trên biên giới Việt Nam qua các thời kỳ như: Cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Lào tại Quảng Trị năm 1977, Cột mốc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại Tây Ninh năm 1985, cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc được cắm theo Công ước Pháp - Thanh thế kỷ XIX tại Cao Bằng , 3 mẫu cột mốc mới, gồm mốc đại, mốc trung và mốc tiểu do Viện Thiết kế - Bộ XD thiết kế, chế tạo, …
L.A