📞

Triển lãm ‘Về nhà ăn cơm’: Thông điệp từ bữa cơm gia đình

HÀ ANH 20:00 | 20/08/2022
Những ngày tháng Tám này, không gian của Trung tâm Văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm tại phố cổ Hà Nội ấm áp hơn bởi một lời mời gọi đầy yêu thương: “Về nhà ăn cơm” đến từ nhóm họa sĩ trẻ.
Một bữa cơm nhà được trưng bày tại triễn lãm. (Ảnh: Hà Anh)

Triển lãm Về nhà ăn cơm được Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) tại Việt Nam đồng tổ chức hưởng ứng chương trình Ngày Quốc tế Thanh niên 2022 (International Youth Day 2022).

Chủ đề của chương trình năm nay là “đối thoại giữa các thế hệ và làm sao để mọi người gắn kết hơn” hướng tới một xã hội gắn kết, cùng hợp tác đi đến các mục tiêu phát triển bền vững cho cộng đồng. Đây cũng là lý do mà vị giám tuyển trẻ Nguyễn Thị Hoài Giang (còn gọi là Giang Kawado) cùng các đồng nghiệp đưa ra ý tưởng về bữa cơm gia đình…

“Điểm chạm” kết nối thế hệ

Trò chuyện với TG&VN, Giang Kawado cho biết ban đầu cô đã khá bối rối khi được giao thực hiện dự án này. Và rồi, trong một lần đi ăn và chứng kiến cuộc đàm thoại khá sôi nổi trên bàn ăn của hai mẹ con tại một nhà hàng, cô đã nhận ra bữa ăn chính là “điểm chạm” để gắn kết các thành viên trong gia đình. Ở nơi đó, có thể có mâu thuẫn, xung đột nhưng cũng là nơi để mỗi thành viên hiểu hơn về nhau.

Để thực hiện dự án, Giang Kawado chỉ có năm tuần để làm việc từ lên ý tưởng, mời gọi các các bạn trẻ tham gia và tổ chức triển lãm. May mắn dự án đã thu hút gần 30 tác giả với các tác phẩm đa dạng từ âm thanh đến hình ảnh sống động.

Được thể hiện qua nhiều chất liệu khác nhau, đây không chỉ là một triển lãm về các món ăn mà sâu hơn là những câu chuyện và tương tác đằng sau những món ăn đó, với đầy đủ hương vị đắng, cay, ngọt, bùi cùng với nhiều sắc thái của vui buồn, nhung nhớ.

Cái tên Về nhà ăn cơm được lựa chọn không chỉ thể hiện sự mời gọi hay dặn dò, mà còn là lời nhắn nhủ đầy quan tâm của những người thân trong gia đình.

Giang Kawado chia sẻ: “Về nhà ăn cơm là câu nói quen thuộc được dùng trong nhiều ngữ cảnh. Trong văn hóa của người Việt Nam, việc cùng nhau chia sẻ bữa ăn có vai trò hết sức quan trọng. Phòng bếp hay bàn ăn trở thành nơi những cuộc hội thoại, chia sẻ, tâm sự, tương tác của mọi người diễn ra hàng ngày. Cũng chính vì lẽ đó, “bữa cơm nhà” không chỉ lưu giữ những kỷ niệm ấm áp, những lần hàn gắn, những câu chuyện thường ngày mà cả những va chạm xô xát”.

Các thành viên của dự án hy vọng sự hiện diện của mỗi người trong không gian này là cơ hội để kết nối và thấu hiểu hơn với những con người ngồi cùng mâm, ăn cùng món với mình. Họ tin sau trải nghiệm này, ai cũng sẽ nghĩ về gia đình mình nhiều hơn.

Góc nhìn của người Việt trẻ

Về nhà ăn cơm là chuỗi câu chuyện giản dị về những món ăn, bữa ăn của bạn trẻ sống gần hoặc xa nhà, qua đó gợi họ về những kỷ niệm, sự kết nối giữa các thành viên gia đình với nhau. Những bữa cơm dù tươm tất hay thanh đạm đều trở thành những mâm cỗ tràn đầy hương vị tình yêu thương của gia đình.

Tới tham quan không gian trưng bày ấm cúng này, ai cũng có cảm giác như được trở về với phòng ăn hay gian bếp thân thương của chính gia đình mình với những hình ảnh quá quen thuộc từ chiếc mâm, lồng bàn và bát đũa được xếp ngay ngắn. Bên cạnh những món ăn là những thông điệp mà các bạn trẻ muốn chia sẻ như món “cơm cá gỗ” của một cô gái con nhà nghèo, món cháo được người cha nấu khi ốm, món cá kho được mẹ làm gửi lên thành phố khi con đi học xa nhà...

Tác phẩm Súp bí đỏ của tác giả Đinh Kiều Dương nói về cách các thành viên trong gia đình học cách thấu hiểu cảm xúc của nhau và yêu thương nhau bằng những điều quan tâm nhỏ nhặt nhất. Trong khi, tác phẩm Chờ cơm của tác giả Đỗ Mai Anh lại là câu chuyện của những người con mỗi lần về thăm nhà đều được bố mẹ dọn cơm chờ sẵn, tuy những món ăn giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều niềm vui hội ngộ.

Với tác phẩm Ngẫu hứng, tác giả Trần Thị Minh Anh chia sẻ cô là du học sinh xa nhà, nên thường nấu những món ăn mà chắc chỉ có một mình cô ăn được. Những nguyên liệu đều là ngẫu hứng và dễ tìm ở chợ nhất. Dù đồ ăn có thể không ngon nhưng khoảng thời gian được tự nấu cho bản thân đã giúp cô trưởng thành và trân trọng mọi thứ xung quanh hơn.

Còn Mâm cơm trên sàn nhà là bữa cơm của những năm học cấp 2-3 mà tác giả Phan Thị Hoàng Trâm thường hay ăn với người cha của mình.

Tác giả kể: “Nhà nghèo, ba chẳng có nhiều tiền mua thức ăn và cả cái bàn nên mọi sinh hoạt đều ở trên sàn nhà. Mâm cơm có canh rau mồng, một trái trứng chiên mặn chát ba nhường phần cho tôi và tất nhiên có cơm. Lúc đấy, tôi ghét nhất là canh rau mồng tơi vì ngày nào cũng phải ăn mà lai không có nổi một tý thịt. Nhưng nhờ mâm cơm đó, tôi và ba đã nương tựa lẫn nhau, ba che chở, tôi cố gắng từng ngày từng ngày…”.

Đáng chú ý, điểm nhấn của triển lãm này là bức tường “ký ức” - nơi mỗi người khi tới tham quan có thể trở thành một phần của tác phẩm, có thể chia sẻ lại cảm xúc, tương tác và kết nối với nhau. Giám tuyển Giang Kawado vui mừng khi mỗi ngày bức tường ấy lại đầy ắp những mảnh giấy viết lên cảm xúc riêng tư, thông điệp ý nghĩa về bữa cơm nhà và sự đồng cảm đặc biệt với các tác phẩm.

Lần đầu tiên thử sức với công việc giám tuyển cho dự án của UNESCO, nữ họa sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội mong muốn trong tương lai cô sẽ có nhiều thêm cơ hội để thực hiện những dự án tương tự để kết nối mọi người, giúp họ bày tỏ bản thân cũng như có thể đưa con người đến gần nhau hơn.