📞

Triển vọng từ Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á

10:57 | 08/09/2016
Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28-29 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 11 diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào), từ ngày 6 đến 8/9. 

Trong bối cảnh đó, chủ đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm rộng rãi là làm thế nào đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy nâng cao chất lượng và nâng cấp hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, nắm bắt phương hướng phát triển hợp tác Đông Á.

Các hội nghị diễn ra trong 3 ngày này bao gồm Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc (10+1) lần thứ 19 và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN 10+3) lần thứ 19 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11.

"Siết tay tiến lên"

ASEAN tuyên bố hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đồng thời thông qua văn bản tầm nhìn “ASEAN năm 2025: Siết tay tiến lên”. Năm 2016 đánh dấu năm đầu tiên sau khi hoàn thành xây dựng Cộng đồng ASEAN. Lào - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN - xác định chủ đề chính của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này là thực hiện “Tầm nhìn năm 2025”, thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa, phát triển quan hệ đối ngoại.

Cựu Tham tán chính trị Đại sứ quán Lào tại Trung Quốc Soukthavy nhận định, trọng điểm thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xoay quanh vấn đề làm thế nào thực hiện kết nối, hội nhập tốt hơn trên các bình diện, nhằm thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa đi vào chiều sâu.

Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 với trọng tâm thảo luận là việc triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và các định hướng tăng cường hợp tác ASEAN thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện các kế hoạch đề ra, đặc biệt là 8 lĩnh vực ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào gồm triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, thu hẹp khoảng cách phát triển, thuận lợi hóa thương mại, chuyển đổi kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, kết nối và hợp tác về di sản văn hóa. Hội nghị nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội nhằm đưa liên kết ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và thực chất.

Với quyết tâm thúc đẩy kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Chương trình Công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 3. Theo đó, Kế hoạch Kết nối sẽ tập trung vào năm lĩnh vực chiến lược gồm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, chuỗi cung ứng không gián đoạn, tối ưu hóa hoạch định và thực thi chính sách, giáo dục, đào tạo nghề và đi lại nội khối.

Chương trình Công tác Hội nhập hướng đến 5 lĩnh vực ưu tiên là thực phẩm và nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, y tế và phúc lợi, đào tạo và lao động, nhằm tiếp tục hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững.

Thời điểm đặc biệt

Trước những thách thức hiện nay, các nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác và xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực cũng như đề cao các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Trong trao đổi, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh ASEAN đang ở vào thời điểm đặc biệt vì vừa thành lập Cộng đồng, sắp tới kỷ niệm 50 năm ASEAN ra đời, 10 năm ký Hiến chương (năm 2017) nhưng cũng lại đứng trước những thách thức phức tạp. Vì vậy, ASEAN cần duy trì sự thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Qua đó, ASEAN thể hiện vai trò trung tâm, duy trì hòa bình, an ninh, phát huy tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. ASEAN đã tạo cảm hứng về khả năng phát triển thì ASEAN cũng cần tạo cảm hứng cho thế giới về khả năng gìn giữ hòa bình, ổn định. Hội nghị cũng nhất trí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự gắn kết giữa nhân dân các nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm ASEAN ra đời và phát triển (1967-2017).

Hội nghị ASEAN và các nước đối thoại, Hội nghị cấp cao ASEAN + 3 cũng như Hội nghị cấp cao Đông Á sẽ nhìn lại thành quả hợp tác giữa ASEAN và các nước liên quan, thảo luận phương hướng phát triển trong tương lai.

Các nước ASEAN và đối tác đối thoại cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành đàm phán “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” trong năm nay. Ngoài ra, làm thế nào sâu sắc hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, khai thác nội hàm hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ là tiêu điểm quan tâm của các hội nghị lần này.

Các nhà quan sát cho rằng, song song với việc thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực, làm thế nào củng cố và phát triển hợp tác với các nước ngoài khu vực, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế ASEAN, giữ gìn đoàn kết và ổn định khu vực ASEAN, sẽ là những thách thức chính đặt ra cho ASEAN trong tương lai, cũng là vấn đề các nhà lãnh đạo ASEAN mong tập trung thảo luận trong thời gian diễn ra hội nghị lần này.

Năm nay là năm mở đầu của 10 năm lần thứ hai của Hội nghị cấp cao Đông Á. Trong những năm qua, việc xây dựng cơ chế và chế độ hợp tác Đông Á phát triển nhanh chóng, đã hình thành khung cơ bản lấy ASEAN làm chủ đạo, “10+1” làm nền tảng, “10+3” làm kênh chính. Trong khi đó, là một diễn đàn do các lãnh đạo dẫn dắt, Hội nghị cấp cao Đông Á là bổ sung quan trọng của cơ chế hợp tác Đông Á, đã phát huy vai trò tích cực và hữu hiệu trong việc thúc đẩy hợp tác Đông Á và nhất thể hóa kinh tế khu vực.

(theo CRI)