Tổng thống Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Sân bay vũ trụ Vostochny của Nga, ngày 13/9 (Nguồn: AFP). |
Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ: “Mỹ nên làm quen với thực tế mới trong quan hệ Triều Tiên-Nga. Bất kể người khác có thể nói gì, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sẽ ngày càng bền chặt hơn”.
Ngày 9/11, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ông chia sẻ mối lo ngại của Hàn Quốc về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Triều Tiên và Nga, điều mà ông gọi là “con đường hai chiều” liên quan đến nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Antony Blinken cảnh báo quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Nga "đang gia tăng và nguy hiểm", đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng.
Trả lời họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc, Ngoại trưởng Mỹ nói, "chúng tôi thấy Triều Tiên cung cấp thiết bị quân sự cho Nga để theo đuổi xung đột ở Ukraine, nhưng chúng tôi cũng thấy Nga cung cấp công nghệ và hỗ trợ Triều Tiên trong các chương trình quân sự của chính nước này".
Ngoài ra, vũ khí của Triều Tiên còn bị cho là đang được sử dụng tại Dải Gazza. Triều Tiên đã bác bỏ báo cáo của một số chuyên gia quân sự rằng, vũ khí của nước này đang được Hamas sử dụng, nói cáo buộc này là âm mưu của Mỹ nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Nói về quan hệ Nga-Triều, trong tuyên bố ngày 28/10, Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui cho biết mối quan hệ Bình Nhưỡng-Moscow sẽ đóng vai trò là nhân tố "chiến lược mạnh mẽ" nếu an ninh trong khu vực bị đe dọa.
"Nếu họ muốn chứng minh rằng mảng hợp tác đó giữa Triều Tiên và Nga gây ra 'mối đe dọa' đối với hòa bình và an ninh quốc tế, thì trước hết họ phải làm rõ tại sao liên minh quân sự ba bên của họ không bị coi là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực", bà Choe cho biết trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải.
Nhà ngoại giao hàng đầu Triều Tiên cũng nói rằng, "Nếu không có ác ý với Triều Tiên và Nga, họ sẽ không có lý do gì để căng thẳng và cảm thấy khó chịu về sự phát triển của mối quan hệ bình đẳng và bình thường giữa hai nước".