Bình Nhưỡng đồng thời để ngỏ khả năng gia nhập các thể chế tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu các quốc gia thành viên hiện nay từ bỏ chính sách thù địch đối với quốc gia Đông Bắc Á này.
Ri Ki-song - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên nhận xét, mặc dù các biện pháp trừng phạt nhằm buộc đất nước của ông từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân đang có xu hướng gia tăng trong vòng một năm qua, song nền kinh tế Triều Tiên vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, với Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) tăng từ 25 tỷ USD năm 2013 lên 30 tỷ USD năm 2017.
Ông Ri cho rằng, đà tăng trưởng này phản ánh thực tế các lệnh trừng phạt đã khiến một số lĩnh vực trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả và mang tính tự chủ hơn.
Các tòa nhà cao tầng ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Ông Ri nhận định, nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và bầu không khí chính trị được cải thiện đủ, Triều Tiên có thể cạnh tranh với các nước như Thụy Sĩ và Singapore, vốn là các quốc gia "có nguồn tài nguyên và vùng lãnh thổ ít ỏi, song lại tận dụng tốt vị trí địa lý để đạt được lợi thế tối đa".
Chuyên gia kinh tế này chia sẻ: "Đất nước chúng ta ở khu vực trung tâm Đông Á, Bán đảo Triều Tiên có vị trí địa lý rất thuận lợi. Trong tương lai, chúng ta sẽ cố gắng hợp tác với các nước láng giềng để phát triển ngành vận tải. Nếu chúng ta sử dụng tuyến đường sắt từ Hàn Quốc xuyên tới Siberia, nhiều quốc gia sẽ ưa thích sử dụng tuyến đường này hơn là vận chuyển bằng đường biển".
Đề cập tới khả năng gia nhập các thể chế tài chính quốc tế, ông Ri cho rằng: "Do các lệnh trừng phạt và các động thái thù địch của những nước như Mỹ và Nhật Bản, cho tới nay nỗ lực của chúng ta nhằm gia nhập các tổ chức quốc tế đã không trở thành hiện thực", đồng thời lưu ý việc Bình Nhưỡng không thể gia nhập Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào những năm 1990. Chuyên gia này khẳng định: "Nếu chúng ta không thể gia nhập một tổ chức khu vực thì việc gia nhập một tổ chức quốc tế sẽ càng khó khăn hơn".