📞

Triều Tiên phóng tên lửa: Mỹ-Hàn bắt tay 'phản ứng quyết liệt', thúc đẩy nghị quyết của HĐBA

Bảo Hà 12:00 | 05/04/2022
Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Sung Kim nói, nước này và Hàn Quốc phải hợp tác cùng nhau đưa ra "phản ứng quyết liệt" đối với việc Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cùng các vụ thử khác.
Triều Tiên phóng thử tên lửa ICBM có tên Hwasong-17 vào ngày 24/3. (Nguồn: KCNA)

Ngày 4/4, sau cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu Duk tại Washington, ông Sung Kim nhấn mạnh, các vụ phóng "rõ ràng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ)".

Theo quan chức Mỹ, Washington và Seoul cần nỗ lực hợp tác "để đưa ra phản ứng quyết liệt đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng".

Bên cạnh đó, ông Sung Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc cũng như các đồng minh và đối tác trong việc thúc đẩy mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Hai quan chức nhất trí thúc đẩy một nghị quyết mới tại HĐBA LHQ về vấn đề Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, ông Noh Kyu Duk khẳng định, nước này và Mỹ có chung quan điểm về tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định lập trường chung về cách thức phòng thủ chung mạnh mẽ.

Ông Noh tới Mỹ ngày 3/4 để thảo luận về các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, trong đó có vụ phóng ICBM ngày 24/3.

Trong một diễn biến khác liên quan, trong văn bản gửi đến một tiểu ban của Hạ viện Mỹ, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược nước này (USSTRATCOM), Đô đốc Charles Richard cho rằng, Triều Tiên sở hữu một số lượng lớn tên lửa "cấp chiến thuật".

Bên cạnh đó, ông nêu rõ: "Triều Tiên trước đó đã thử nghiệm các tên lửa loại ICBM được thiết kế để vươn tới Mỹ. Các vụ phóng tên lửa gần đây chứng tỏ mong muốn liên tục của họ trong việc tăng cường một mối đe dọa tên lửa đáng tin cậy".

Tên lửa "cấp chiến thuật" đề cập những tên lửa được thiết kế để sử dụng trong các lĩnh vực hoạt động quân sự cụ thể.

Người đứng đầu USSTRATCOM cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc "răn đe tăng cường" đối với hai đồng minh châu Á chủ chốt là Hàn Quốc và Nhật Bản.

"Răn đe tăng cường" có nghĩa là Mỹ cam kết sử dụng đầy đủ các khí tài quân sự, cả hạt nhân và thông thường, để bảo vệ các đồng minh của mình.

(theo Reuters)