Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng giám sát vụ phóng thử tên lửa ngày 11/1. |
Cùng ngày, hình ảnh đăng trên trang mạng của tờ Rodong Sinmun cho thấy cảnh tên lửa được phóng từ mặt đất và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mặt để giám sát sự việc.
Trước đó, rạng sáng 11/1, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa từ khu vực đất liền về phía Biển Nhật Bản. Cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích kỹ lưỡng dữ liệu liên quan.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, tên lửa đã bay ít nhất 700 km với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Đây là vụ thử tên lửa thứ hai của Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tuần.
Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) đã lên án 2 vụ phóng tên lửa trên, cho rằng, "việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi các hệ thống vũ khí bất hợp pháp gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế, đi ngược lại các nỗ lực quốc tế nhằm nối lại đối thoại và hành động để hỗ trợ người dân".
EU kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và kiềm chế bất kỳ hành động nào để tiếp tục ngoại giao và đối thoại.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố, Washington lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời cho rằng, hành động này vi phạm nhiều nghị quyết của HĐBA, làm dấy lên mối đe dọa đối với các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Triều Tiên lại tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế, trở lại đàm phán với các bên liên quan về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
LHQ nhấn mạnh, con đường duy nhất để đạt được hòa bình bền vững và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên là thông qua các giải pháp ngoại giao.
Trong khi đó, ngày 11/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, nước này kêu gọi tất cả các bên hành động và nói năng một cách thận trọng sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên trước đó cùng ngày.
Trả lời họp báo, ông Uông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nắm được thông tin vụ phóng. Đặc điểm của vật thể được phóng cần được phân tích và đánh giá kỹ lưỡng. Các bên không nên đi đến kết luận vội vàng hoặc phản ứng thái quá".
Một ngày sau vụ phóng tên lửa thứ hai của Bình Nhưỡng từ kể từ đầu năm 2022, HĐBA cho hay, hiện chưa nhận được yêu cầu của các nước thành viên muốn đưa vấn đề này ra thảo luận.
Đại sứ Mona Juul, Trưởng Phái đoàn thường trực Na Uy tại LHQ, nước Chủ tịch HĐBA trong tháng 1/2022 cho biết, HĐBA quan ngại về những động thái mới trên của Triều Tiên và đang chờ xem có nước thành viên nào yêu cầu họp riêng về vấn đề này hay không.
| Tin thế giới 11/1: Nga tố Mỹ phi lý, nói Washington chơi đòn phủ đầu; Lựa chọn của Ukraine; Ý đồ của Triều Tiên? Đàm phán an ninh Nga-Mỹ, quan hệ Nga-NATO, vấn đề Ukraine, tình hình Kazakhstan, Triều Tiên lại phóng thử vật thể, Mali bị cấm vận ... |
| Triều Tiên phóng vật thể bay gấp 10 lần tốc độ âm thanh, Tổng thống Hàn Quốc quan ngại Ngày 11/1, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết, vật thể mà Triều Tiên phóng thử ra vùng biển phía ... |