📞

Triều Tiên toan tính gì đằng sau các vụ phóng tên lửa liên tiếp?

11:23 | 04/08/2019
TGVN. Theo truyền thông Hàn Quốc, một loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây được đánh giá là có mức độ khiêu khích 'vừa phải', vừa để thể hiện với Hàn Quốc, nhưng lại tránh đe dọa trực tiếp tới Mỹ. 
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một vụ phóng tên lửa. (Nguồn: KRT)

Dù khiêu khích để gây sức ép, nhưng động thái của Triều Tiên vừa không làm vỡ đối thoại, vừa giúp nước này tránh bị cấm vận thêm. Ngoài ra, hành động phóng tên lửa của Triều Tiên còn thể hiện ý đồ thử nghiệm các loại vũ khí đa dạng mà Bình Nhưỡng đã phải tạm dừng trong thời gian qua.

Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa sau khi thời hạn tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên Mỹ - Triều, một nội dung nhất trí giữa lãnh đạo hai bên, đã trôi qua. Trước đó, Bình Nhưỡng đã hai lần phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 4/5 và 9/5.

Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân dự Panmunjom, nơi hai bên nhất trí sẽ nối lại đối thoại cấp chuyên viên trong vòng “hai đến ba tuần tới”. Tuy nhiên, thời điểm này đã trôi qua mà các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều vẫn chưa được tổ chức, khiến Triều Tiên quyết định hành động.

Theo báo chí Hàn Quốc, ngày 25/7 vừa qua, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có tầm bắn khoảng 600 km và độ cao 50 km. Đến ngày 31/7, nước này phóng tiếp một tên lửa có tầm bắn xa 250km, với độ cao 30km. Quân đội Hàn Quốc cho biết, đây là tên lửa tầm ngắn, nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố rằng đây là chỉ là pháo phản lực cỡ nòng lớn kiểu mới. Và vào ngày 2/8, Triều Tiên đã phóng tiếp hai vật thể bay được cho là tên lửa tầm xa.

Phía Triều Tiên cũng công khai ý đồ, nói rằng vụ phóng tên lửa ngày 25/7 nhằm thị uy sức mạnh của loại “vũ khí dẫn đường kiểu mới”. Bình Nhưỡng nhấn mạnh đây là lời cảnh báo cứng rắn đối với Chính phủ Hàn Quốc trước việc Seoul nhập máy bay chiến đấu tàng hình và diễn tập quân sự chung Hàn - Mỹ nhằm chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không trực tiếp đề cập tới Washington. Trong khi đó, Mỹ nhận định tên lửa của Triều Tiên không đe dọa tới an ninh của Mỹ.

Xét về chủng loại và tầm bắn, các tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 31/7 và 2/8 rõ ràng là nhắm vào Hàn Quốc. Dù là tên lửa đạn đạo hay là "pháo phản lực" thì đây đều là những loại vũ khí có thể uy hiếp lớn tới an ninh của Seoul. Pháo phản lực là loại pháo tầm xa, có thể bắn nhiều phát một lúc. Pháo phản lực cỡ nòng 300 mm của Triều Tiên được biết đến có tầm bắn tối đa đạt 200km, đặt ở Trụ sở quân khu Gyeryongdae (tỉnh Nam Chungcheong), nơi có trụ sở của các binh chủng Lục quân, Hải quân, Không quân trong phạm vi tấn công hiệu quả. Tuy nhiên, lần này cỡ nòng pháo được nâng lên 400mm, tầm bắn cũng được cho là xa hơn.

Bên cạnh đó, gần đây Triều Tiên được cho là đã gắn thêm thiết bị dẫn đường vào pháo phản lực. Rốt cuộc, ý đồ của Triều Tiên là sở hữu sức mạnh, không chỉ uy hiếp lãnh thổ nước Mỹ mà có thể trấn áp cả Hàn Quốc. Điều này sẽ nâng cao lợi thế cho Bình Nhưỡng trong đàm phán Mỹ - Triều. Thêm nữa, các cuộc bắn thử tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng muốn đẩy Seoul “về phía sau”, buộc Washington phải công nhận Triều Tiên là nước sở hữu vũ khí hạt nhân và nhận được sự đảm bảo an ninh cho chính quyền. Ngoài ra, Triều Tiên cũng cho thấy, họ phải nhận được sự bù đắp lớn hơn từ Mỹ. Từ những phân tích như vậy, quân đội Hàn Quốc nhận định trong thời gian tới Triều Tiên sẽ còn tiếp tục tiến hành các vụ phóng tên lửa hoặc các hành động phô diễn sức mạnh khác.

(theo TTXVN)