AUKUS, thành lập ngày 15/9/2021, là quan hệ đối tác an ninh nhằm tăng cường thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, an toàn và ổn định. (Nguồn: X) |
Trong tuyên bố chung được đăng tải trên trang web chính thức của Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo tái khẳng định "cam kết chung đối với quan hệ đối tác lịch sử này" và ghi nhận những tiến triển đáng kể cho đến nay trên 2 trụ cột chính.
Vào tháng 8 năm nay, các đối tác AUKUS đã ký một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về hợp tác liên quan hệ thống động cơ đẩy hạt nhân của hải quân.
Theo tuyên bố, khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ cho phép Mỹ và Anh chuyển giao cho Australia các vật liệu và thiết bị cần thiết cho việc xây dựng, vận hành và duy trì sự an toàn, cũng như bảo mật đối với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị vũ khí thông thường.
Thỏa thuận này cũng tái khẳng định các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có của các nước AUKUS và cam kết của Australia với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Về Trụ cột II là xây dựng các năng lực nâng cao, tuyên bố chung cho hay, 3 nước đang tiến hành theo cam kết ban đầu của AUKUS là chia sẻ thông tin và công nghệ, cũng như sự tích hợp chưa từng có của các cộng đồng đổi mới, cơ sở công nghiệp cũng như năng lực chiến đấu.
Mục đích nhằm hỗ trợ mục tiêu chung là xây dựng các năng lực tiên tiến cần thiết để tăng cường khả năng răn đe nhằm hỗ trợ an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về sự tham gia bổ sung của đối tác mới trong Trụ cột II, tuyên bố cho hay, các nước AUKUS đang "tham vấn Canada, New Zealand và Hàn Quốc để xác định các khả năng hợp tác về các năng lực tiên tiến".
Cơ chế an ninh 3 bên AUKUS được thành lập vào ngày 15/9/2021, sẽ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia vào thập kỷ tới và hợp tác phát triển các vũ khí tiên tiến khác.
Sau tuyên bố trên, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair xác nhận, nước này đang đàm phán về việc tham gia các dự án AUKUS, nhưng không tiết lộ chi tiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết, việc tham vấn này là "sự tiếp nối của quá trình tìm hiểu cẩn trọng về ý nghĩa chiến lược và kinh tế của việc tham gia "Trụ cột 2 AUKUS".
Ông nhấn mạnh, New Zealand sẽ tiếp tục thảo luận công khai và minh bạch với người dân về vấn đề này, đồng thời lưu ý về lịch sử phi hạt nhân lâu dài của đất nước.