Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam
Trao đổi về năng lực và cơ hội của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện DN Việt Nam hầu hết là nhỏ và vừa, số lượng DN lớn có thể vươn ra thị trường quốc tế còn hạn chế. Tuy nhiên, thương mại điện tử và công nghệ số đang tạo cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Hiện nay, một DN siêu nhỏ, chỉ cần với 1 máy tính, 1 chiếc điện thoại thông minh là hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường thế giới, tiến hành giao dịch kinh doanh. Thương mại điện tử và công nghệ số đang chắp cánh cho DN Việt Nam” – ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, nếu có nền tảng và chính sách trợ giúp thì DN hoàn toàn có thể nâng cao khả năng để tiếp cận thị trường thế giới và hoàn toàn có thể nâng cấp DN vừa và nhỏ để đạt được chuẩn mực toàn cầu.
Ông Nguyễn Khắc Sơn – Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị Sơn An (Sơn An Group)
Tại Tọa đàm, chia sẻ về việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, quản trị, ông Nguyễn Khắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Sơn An Group, một đơn vị về kinh doanh bất động sản cho biết, Sơn An Group đang áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý các khu đô thị thông minh. Cư dân trong các khu đô thị này chỉ cần sử dụng smartphone để điều khiển các hệ thống cửa, hệ thống điện... trong căn hộ của mình, giúp tiết kiệm chi phí điện năng và nâng cao sự an toàn, đặc biệt là phòng cháy chữa cháy.
Cũng theo ông Khắc Sơn, đơn vị đang áp dụng công nghệ số vào hệ thống bán hàng, gọi là công nghệ thực tế ảo. Theo đó, khách hàng ngồi ở bất kỳ đâu cũng có thể tham quan mô hình căn hộ như đang trải nghiệm căn hộ thực tế, từ đó đưa ra yêu cầu cụ thể cho căn hộ tương lai của mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Tổng Giám đốc, Công ty TNHH HD International
Tại Tọa đàm, chia sẻ về việc áp dụng công nghệ số vào quản trị kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Tổng Giám đốc, Công ty TNHH HD International cho biết, công ty của bà đã áp dụng mô hình thông tin xây dựng BIM để nâng cao năng lực hoạt động và quản trị. BIM là viết tắt của cụm từ Building Information Modeling, là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình.
Theo bà Thu Hương, BIM còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng đối với DN thì đây là một cơ hội mở cho DN xây dựng nâng cao năng lực quản trị, thiết kế, thi công.
Ông Nguyễn Mạnh Hào - Tổng Giám đốc Hệ thống Anh ngữ AMES
Về cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại cho DN, ông Nguyễn Mạnh Hào - Tổng Giám đốc Hệ thống Anh ngữ AMES cho rằng, DN đã sớm nhận ra cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại và có kế hoạch đón đầu. Từ nhiều năm trước, AMES đã có đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin để nghiên cứu và áp dụng vào trong hoạt động.
Ông Nguyễn Mạnh Hào - Giám đốc Hệ thống Anh ngữ AMES. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Cho đến nay, Anh ngữ AMES tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có thể mang lại nền tảng để cho các em học sinh, sinh viên ở khắp mọi miền đất nước, từ vùng sâu vùng xa đến các thành phố lớn có thể tiếp cận với đào tạo tiếng Anh chất lượng cao”, ông Hào khẳng định.
Cũng theo ông Hào, hiện AMES đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đào tạo tiếng Anh. Theo đó, 6 triệu học sinh trên cả nước đang được học tiếng Anh cùng với 6 triệu AI, những AI này đã giúp giảng dạy và cùng các em học tiếng Anh hằng ngày, đặc biệt là đào tạo kỹ năng phát âm. Ai cũng kiểm tra trình độ tiếng Anh của học sinh và đưa ra những bài tập phù hợp với khả năng của mỗi em, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn và vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình
Chia sẻ tại Tọa đàm của Báo TG&VN, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cho biết, doanh nghiệp của ông đã sớm nhận ra cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại và đã chủ động tiếp cận. Đầu tiên là chủ động về nguồn nhân lực, bởi không có nhân lực thì sẽ “không làm được điều gì”.
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Cuộc cách mạng nào cũng bắt đầu từ con người, con người nghĩ ra và con người ứng dụng nó. Do vậy, trong chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình có 3 trụ cột, mà trụ cột đầu tiên là về con người, là trí tuệ. Trụ cột thứ hai là về khoa học công nghệ. Trụ cột thứ ba là quan hệ hợp tác quốc tế, hội nhập. Với chiến lược như vậy nên công ty đã phát triển, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về giống cây trồng tại Việt Nam” – ông Mạnh Báo nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân sẽ trao đổi, thảo luận về những động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của từng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số và những tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Cũng tại sự kiện, các doanh nhân Việt Nam sẽ chia sẻ về kinh nghiệm thực tế mà doanh nghiệp đang áp dụng, những kế hoạch về tài chính, đầu tư khoa học công nghệ, nguồn nhân lực để tận dụng được những cơ hội cũng như giải quyết thách thức, khó khăn do cuộc CMCN 4.0 mang lại.
VBS 2018 mang đến thông điệp Việt Nam là đối tác nghiêm túc, tin cậy, tiềm năng và sẽ tập trung vào hai điểm quan trọng là kết nối và sáng tạo. Đây là hai động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời là động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Với chủ đề trên, VBS 2018 được chia thành hai phiên quan trọng. Phiên đầu tiên với chủ đề: "Vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu" có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Thế giới WEF, ông Borge Brende. Sau đó, các doanh nghiệp sẽ tham dự vào cuộc đối thoại chuyên sâu về chủ đề này.
Phiên thứ hai với chủ đề "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh" với sự tham dự của các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Các nhà lãnh đạo cấp cao sẽ cùng trao đổi về các chủ đề quan trọng như nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của công nghiệp 4.0; cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và phát triển, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư.